Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 không siết điều kiện cho vay đối với khách hàng mà đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng 3 điều kiện gồm mục đích vay vốn hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Thông tư 39/2016/TT-NHNN hiện hành cũng áp dụng các điều kiện này. Cụ thể tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật, khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra các điều kiện, nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; và có khả năng tài chính để trả nợ.
Đối với biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.
Thực tế, thời gian qua, tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền vay với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tài sản thế chấp chỉ là một trong các điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện hàng đầu, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định của pháp luật trong việc bảo đảm hoàn trả cho khoản vay, nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với việc trả nợ ngân hàng.
Ngoài ra, Thông tư 06 đã bổ sung thêm một mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, Thông tư 06 nêu rõ, đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án.
Theo đó, phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.
Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường có giá trị lớn, khách hàng mới phải bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn đối với nhu cầu vốn này để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thông tư 06 cũng bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống; bổ sung việc được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm.
Thông tư 06 này sẽ có liệu lực vào ngày 1/9/2023.
PV