Khó khăn trong việc thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất

So với những năm trước, năm 2023 thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng. Dự báo trong thời gian còn lại của năm 2023, nhiều xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao.

Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đạt khoảng 3.800 tỷ đồng. Để phấn đấu đạt kết quả này, ngay từ năm 2022, các địa phương đã bám sát kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, tổ chức giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Nhiều xã nhờ bám sát nhu cầu của thị trường, nhanh chóng xây dựng khu đấu giá QSDĐ đã nâng cao được nguồn thu ngân sách cho địa phương. Điển hình như xã Thanh Tân (Thanh Liêm), vừa tổ chức đấu giá 171 lô đất có giá khởi điểm hơn 74 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 154 tỷ 602 triệu đồng, sau khi trừ chi phí hạ tầng, còn lại theo tỷ lệ phân bổ xã thu được ngân sách cho đầu tư tại địa phương. Ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Mục tiêu nâng cao nguồn thu ngân sách xã, trả nợ công và tiếp tục đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, xã Thanh Tân đã quy hoạch khu dân cư ngay gần trung tâm xã. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi về giao thông, lại gần đường huyện nên được nhiều người dân quan tâm đấu giá QSDĐ. Kết quả, bình quân các lô đất sau khi đấu giá tăng 1,5 đến 2 lần so với giá khởi điểm.

Để có được kết quả này, ngay từ năm 2021 xã Thanh Tân đã rà soát kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, nắm bắt nhu cầu của thị trường, đề xuất xin cấp trên xây dựng khu dân cư. Công tác thi công dự án cũng được triển khai nhanh chóng và được thông báo rộng rãi tới nhiều người dân. Cách làm này đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia đấu giá QSDĐ, góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách nhà nước.

Khó khăn trong việc thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực huyện Thanh Liêm - Bình Lục rà soát các khoản thu ngân sách từ đất. Ảnh: Trần Hữu

Cũng như xã Thanh Tân, trong thời gian vừa qua nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nâng cao được nguồn thu ngân sách từ đấu giá QSDĐ. Theo kinh nghiệm thực tế ở các địa phương cho thấy, muốn có quỹ đất sạch để đấu giá thì phải xây dựng và triển khai kế hoạch trước cả năm. Việc chọn vị trí phải gần các trục đường chính, thuận lợi về giao thông và lâu dài đất có tiềm năng sinh lời. Khi có thông báo địa điểm phải tổ chức họp dân, công khai dự án, tuyên truyền vận động người dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng xây dựng các khu dân cư mới. Quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm đấu giá cũng phải đồng bộ, kết nối hạ tầng ở trong khu vực để người dân về làm nhà ở thuận lợi. Với cách làm này, mặc dù thị trường BĐS trầm lắng song nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn tổ chức đấu giá được quyền sử dụng đất góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, so với các năm trước, năm 2023 việc triển khai đấu giá QSDĐ gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng. Trong thời điểm hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã rất hạn chế cho vay đầu tư kinh doanh BĐS do việc đầu tư nguồn vốn cho lĩnh vực này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ngân hàng thương mại chỉ đầu tư vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, cho các hộ dân vay vốn cải thiện cuộc sống, mua đất, xây nhà ở và không đầu tư cho vay kinh doanh BĐS. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi siết tín dụng BĐS có mặt tích cực là góp phần kiểm soát lượng cung tiền vào thị trường BĐS so với thời gian trước và việc thu ngân sách từ tiền đất cũng giảm theo.

Ông Đào Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) cho biết: Từ đầu năm đến hết tháng 11, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tổ chức được 10 phiên đấu giá QSDĐ, với 746 thửa, có tổng diện tích hơn 73.762 m2, với giá khởi điểm hơn 644 tỷ 704 triệu đồng. Sau khi đấu giá các địa phương đã thu về hơn 908 tỷ 610 triệu đồng.

Cũng theo ông Chiến, nếu như so với những năm trước  năm 2023 việc đấu giá QSDĐ ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như phiên đấu giá tại phường Lê Hồng Phong ngày 15/9/2023, có 91 lô đất, trong đó có 55 người đăng ký mua hồ sơ và phiên đầu chỉ đấu được 48 lô; đến ngày 20/10/2023, trung tâm phải triển khai đấu tiếp 43 lô còn lại. Giá khởi điểm của 91 lô đất là hơn 190 tỷ 534 triệu đồng, giá đấu giá được hơn 209 tỷ 274 triệu đồng, chênh lệch hơn 18 tỷ 739 triệu đồng. Nếu như vào thời gian cao điểm, thị trường BĐS sôi động việc đấu giá 91 lô đất ở phường Lê Hồng Phong sẽ có 500 – 700 hồ sơ, nhưng trong năm nay có rất ít người tham gia.

Theo tổng hợp của các huyện, thị xã và thành phố, năm 2023 việc đấu giá QSDĐ, thu ngân sách từ tiền đất ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, tại thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm đều còn thiếu gần 300 tỷ đồng mới hoàn thành kế hoạch. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch giao, trong tháng 12 các địa phương sẽ triển khai đấu giá các khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng và thu tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp. Trong thời gian này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương nhanh chóng hoàn thành các khu đấu giá QSDĐ, công bố giá đất; bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư... để phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ tiền đất.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy