Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Kim Bảng ký văn bản liên tịch với các hội đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn thanh niên và hợp đồng ủy thác với 100% tổ chức hội cấp xã trên địa bàn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng chính sách tại địa phương nên các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện đã tích cực vận động, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV), thường xuyên đôn đốc Ban quản lý Tổ triển khai nội dung hợp đồng ký kết với ngân hàng, duy trì họp Tổ theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả ủy thác vốn tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tích cực phối hợp với ngân hàng cấp trên, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội đoàn thể, Ban quản lý Tổ và thường xuyên đánh giá về chất lượng, kết quả hoạt động của các TTK&VV. Đến ngày 31/8/2023, toàn huyện có 213 tổ, (tăng 1 tổ so với đầu năm), trong đó có 206 tổ xếp loại tốt chiếm 96,71%; 5 tổ xếp loại khá chiếm 2,35%; 2 tổ xếp loại trung bình chiếm 0,94%.
Theo đánh giá, việc ủy thác tín dụng chính sách thông qua các hội đoàn thể mà trực tiếp là TTK&VV đã góp phần làm tốt công tác xã hội hóa đối với mục tiêu giảm nghèo, tạo sự minh bạch, chính xác cho công tác xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, hạn chế phát sinh những tiêu cực ở cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị xã hội tập hợp lực lượng, tăng số hội viên, nâng cao chất lượng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giúp ngân hàng tổ chức mạng lưới rộng khắp đến các thôn, tổ dân phố. Nhờ vậy, hoạt động tín dụng chính sách của huyện thời gian qua được giám sát chặt chẽ, hạn chế rủi ro, tránh trường hợp xâm tiêu, vay ké.
Tính đến ngày 31/8/2023, tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng chính sách của huyện đạt 512.143 triệu đồng với 7.970 hộ dư nợ, tăng 39.894 triệu đồng so với đầu năm, đạt 98,41% kế hoạch năm. Các xã có dư nợ cao như: Tân Sơn 47,162 tỷ đồng; Văn Xá 43,370 tỷ đồng; Đồng Hóa 42,275 tỷ đồng; Lê Hồ 35,339 tỷ đồng... Do làm tốt công tác quản lý nên hiện nợ xấu trên địa bàn chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ và toàn huyện có 15/18 xã không có nợ quá hạn. Cùng với dư nợ cho vay, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 70,494 tỷ đồng, bằng 91,76% kế hoạch năm, trong đó, tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ là 24,085 tỷ đồng và tiền gửi của tổ chức, cá nhân là 46,409 tỷ đồng. Hiện nay, các TTK&VV ở xã Tân Sơn có 807 tổ viên, trong đó 98,9% số tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền hơn 2,395 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hoạt động của các TTK&VV thời gian qua đã thực sự trở thành “cánh tay” nối dài đưa vốn tín dụng chính sách đến với đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách. Qua đó, giúp tổ chức hội lồng ghép hiệu quả giữa các chương trình tín dụng với công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, không những nâng cao hiệu quả vốn ưu đãi mà còn tăng uy tín, chất lượng hoạt động của các hội đoàn thể ở địa phương.
Để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của TTK&VV trên địa bàn, bà Lê Thanh Huế, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Trước tiên, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong TTK&VV. Cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các cấp cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; coi trọng tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho Ban quản lý và các nội dung hợp đồng ủy nhiệm đã ký, chấp hành tốt quy định trong giao dịch với ngân hàng. Công tác bình xét cho vay phải bảo đảm nghiêm túc, công khai, đúng đối tượng, có sự tham gia chứng kiến, giám sát của chính quyền, hội, đoàn thể. Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương.
Phùng Thống