Mô hình phát triển tổ dịch vụ mạ khay cấy máy thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ Mạ khay cấy máy giai đoạn 2020 -2023” được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ năm 2021 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 toàn tỉnh có 10% diện tích, khoảng 3000 ha cấy máy. Qua hai vụ sản xuất, toàn tỉnh đã có 1.600 ha được cấy máy ở tất cả 6 huyện, thị, thành phố. Trong những ngày đầu xuân năm mới, bà con nông dân nhiều nơi đã xuống đồng đưa máy vào ruộng, phủ kín hàng trăm ha diện tích.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ đông xuân 2022, toàn tỉnh gieo cấy 2.000 ha diện tích theo mô hình mạ khay, cấy máy. Hiệu quả mô hình là cấy nhanh, giảm chi phí công cấy. Thí dụ, nếu làm dịch vụ mạ khay, cấy máy, mỗi sào ruộng tổ dịch vụ sẽ thu từ 200-279 nghìn đồng, trong đó đã gồm giống, công, nước, cấy… Nhưng nếu thuê cấy thủ công mỗi sào hiện nay từ 350-400 nghìn đồng, không gồm các chi phí khác. Với máy cấy, mỗi ngày thực hiện được 5ha, trong khi cấy thủ công hai người cấy một ngày được 1 sào.
Để áp dụng mô hình này, việc gieo mạ buộc phải thực hiện trên khay. Muốn gieo trên khay phải có giá thể. Hiện nay, nông dân các tỉnh phía Bắc áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy máy đều mua đất làm giá thể gieo mạ từ Thanh Hóa.
Một nông dân thôn Đức Hòa, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm cho biết: “Đây là loại đất đỏ Bazan, có khả năng giữ nước và phân tốt. Khi gieo mạ, phải dùng khay nhựa, cho giá thể vào 2/3 khay, lấy ô doa tưới đẫm nước, đợi khi giá thể ráo mới gieo hạt. Việc gieo hạt phải đảm bảo mật độ đều trên từng khay, sau đó dùng ô doa tưới lại một lần nữa để mầm hạt trồi lên trên, sau đó dải thêm một lớp mỏng đất dày khoảng 0,5 đến 0,7cm.” Vụ đông xuân năm nay, thôn Đức Hòa cấy 160 mẫu bằng máy.
Ngay từ những ngày đầu năm, mặc dù thời tiết rét mướt, bà con nông dân thường xuyên có mặt trên những cánh đồng chuẩn bị cho việc cấy hái. Ông Trịnh Văn Hòa, nông dân xã Thanh Tân cho biết: “Cán bộ Trung tâm khuyến nông của tỉnh về tận nơi hướng dẫn bà con cách gieo cấy mô hình này. Kể ra thì nhàn nhã lắm, chẳng mất nhiều công sức, giá thành lại rẻ hơn thuê cấy thủ công. Tuy nhiên, nhiều người nhìn thấy những hàng lúa thưa hơn bình thường có vẻ tiếc đất, nhưng thật ra, khoảng cách mỗi hàng phải như vậy mới đúng yêu cầu để lúa phát triển tốt. Mỗi ngày, một máy cũng cấy được 5ha. Bà con yên tâm có thời gian làm việc khác tăng thu nhập.”
Vụ xuân này, xã Thanh Tân cùng với nhiều địa phương khác đưa mô hình mạ khay, cấy máy vào sản xuất. Theo kế hoạch, toàn huyện thực hiện trên 500 ha diện tích lúa cấy máy, tăng 450 ha so với vụ trước. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho rằng: “Mô hình mạ khay, cấy máy sẽ là xu hướng phù hợp với điều kiện bà con nông dân hiện nay. Áp dụng mô hình này, nông dân giảm được chi phí sản xuất, có thời gian để làm việc thêm hoặc vào các khu, cụm công nghiệp làm việc. Các khâu dịch vụ cấy – gặt tiến tới được khoán cho các tổ dịch vụ và tư nhân với giá thống nhất, đảm bảo hiệu quả. Vụ này, diện tích cấy máy tăng gấp 10 lần so với vụ trước là minh chứng cho thấy bà con đã có lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình.”
Sau một năm thực hiện mô hình này, năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Những chi phí cho ngày công lao động, chăm bón… giảm nhiều. Toàn tỉnh đã cấy máy được 1.252 ha, trong đó thị xã Duy Tiên thực hiện 327 ha, huyện Kim Bảng 556 ha, huyện Bình Lục đạt 270 ha, huyện Lý Nhân đạt 52 ha, huyện Thanh Liêm cấy 45 ha, thành phố Phủ Lý cấy 2ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình mạ khay cấy máy này được đánh giá chỉ đứng sau gieo thẳng (gieo sạ).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Xét ở khía cạnh môi trường, mô hình cấy máy này hiệu quả bền vững hơn. Vì, nhiều năm qua, khi thực hiện gieo thẳng, lượng thuốc bảo vệ thực vật do bà con dùng cho mô hình này tương đối nhiều, ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng, sức khỏe con người. Vấn đề điều tiết nước cho các diện tích gieo thẳng cũng tốn công hơn. Còn cấy máy, bà con không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật trước, trong và sau khi cấy, lượng nước cho các chân ruộng cũng không cần nhiều, vấn đề điều tiết nước cũng đơn giản hơn. Việc cấy máy không áp dụng ở những chân ruộng quá lầy lội.
Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh sử dụng hai loại máy cấy, một loại máy cấy tay, nghĩa dùng tay đẩy mạ, một loại máy cấy tự động 6 hàng của Kubota Nhật Bản, có tính năng điều chỉnh mật độ cũng như độ nông sâu của cây lúa phù hợp với điều kiện đất và loại giống. Loại máy này do các tổ dịch vụ, tư nhân cung cấp, chưa phổ biến hết ở các địa bàn nông thôn. Giá máy khá đặt đỏ nên khi triển khai Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất tỉnh cho cơ chế hỗ trợ 50% giá máy cấy cho dân.
Giang Nam