Thanh Tân áp dụng hiệu quả cơ giới hóa vào đồng ruộng

Năm 2022, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) đánh dấu bước đi mới trong việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Thanh Tân áp dụng hiệu quả cơ giới hóa vào đồng ruộng
Mô hình cấy lúa bằng máy cho hiệu quả cao tại xã Thanh Tân (Thanh Liêm). Ảnh: Kim Chi

Ở vụ lúa xuân, lần đầu tiên Thanh Tân đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất và đã có 95ha lúa được cấy bằng máy, chiếm hơn 43% tổng diện tích gieo cấy. Sang vụ mùa, diện tích cấy lúa bằng máy đã được mở rộng lên 195 ha, chiếm 80% tổng diện tích gieo cấy. Cùng với đưa cơ giới vào khâu gieo cấy lúa, Thanh Tân tạo bước đột phá khi tại xã đã có 1 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và đã có gần 70% diện tích lúa trên địa bàn được phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh bằng máy bay điều khiển từ xa. Như vậy, địa phương có 70% diện tích sản xuất lúa được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu lấy nước, làm đất, đến phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.

Để có được thay đổi tích cực trên đồng ruộng, Đảng ủy, UBND xã Thanh Tân đã mạnh dạn tiếp nhận và triển khai mô hình cơ giới hóa ở khâu gieo cấy. Vụ đầu tiên, xã lựa chọn 3 thôn của HTX Bắc Tân thực hiện cấy lúa bằng máy. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, HTXDVNN Bắc Tân họp triển khai, tuyên truyền vận động đến người dân về những thuận lợi, ưu điểm của máy cấy. Cùng với đó, UBND xã vận động một cá nhân thành lập Tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy, tiếp nhận hỗ trợ của tỉnh dàn máy, khay gieo mạ phục vụ cấy lúa bằng máy. Tổ dịch vụ đầu tư 1 máy cấy ngồi lái hiệu Kubota, công suất cấy 3 ha/ngày. Đây là đầu mối ký hợp đồng với người dân về việc bảo đảm gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy trên địa bàn. Để bảo đảm thời vụ và diện tích lúa cấy bằng máy, tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy cũng liên hệ thuê thêm máy cấy từ tỉnh Thanh Hóa ra hỗ trợ. Ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Chỉ sau 1 năm sản xuất, Thanh Tân đã đưa được cơ giới đồng bộ vào đồng ruộng. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì và thúc đẩy sản xuất phát triển, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Thanh Tân áp dụng hiệu quả cơ giới hóa vào đồng ruộng
Mô hình cấy lúa bằng máy ở Thanh Tân.

Việc cơ giới hóa đồng bộ sản xuất tại Thanh Tân đã mang lại thay đổi tích cực. Rõ nhất là trên địa bàn xã cơ bản không còn người dân bỏ ruộng trong các vụ sản xuất mặc dù tình trạng này đã từng xảy ra ở những năm trước khi gieo cấy thủ công. Đặc biệt, lúa cấy bằng máy đã triệt tiêu được tình trạng lúa cỏ phát sinh, gây hại, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Trên các cánh đồng của xã cây lúa được cấy bằng máy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, phun thuốc BVTV bằng máy vừa đều vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Qua đánh giá, năng suất lúa cấy máy cao hơn 15% so với lúa gieo thẳng. Điều quan trọng hơn, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa 2 vụ lúa đã giải quyết được khá nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Đó là, hiện nay lao động khu vực nông thôn ngày càng ít và thiếu, nhất là lao động thời vụ do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, phần lớn lao động trẻ đi làm cho các doanh nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ khác. Vì thế, kéo theo ngày công lao động làm nông nghiệp rất cao, nếu phải thuê lên đến trên 300 nghìn đồng/ngày, không những thế lại rất khó thuê. Trong khi đó, áp dụng cấy lúa bằng máy (cả gieo, chăm sóc mạ, cấy máy, tiền giống lúa) khoảng 300 nghìn đồng/sào.

Trước đây, khi chưa có máy cấy, do thiếu lao động người dân phải sử dụng phương pháp lúa gieo thẳng (gieo vãi bằng tay) dẫn đến lượng giống lúa cần gấp 2 lần cấy lúa bằng máy, sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ, thuốc diệt ốc bươu vàng, lúa dày tăng sâu, bệnh, lúa cỏ có điều kiện phát triển mạnh… Bên cạnh đó, công thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ ở mức xung quanh 120 nghìn đồng/sào… Đặc biệt việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc BVTV rẻ hơn 15 – 20% so với phun tay, bảo đảm độ đồng đều, hiệu quả trong phòng trừ sâu, bệnh… Theo người dân trong xã: Sản xuất 2 vụ lúa hiện nay đã nhàn đi rất nhiều và hiệu quả hơn khi máy móc được áp dụng nhiều hơn. Đồng thời, nông dân vẫn có thể vừa làm ruộng, vừa tham gia làm các ngành nghề khác để nâng cao thu nhập.

Được biết, thời gian tới xã Thanh Tân tiếp tục áp dụng phương pháp cấy lúa và phun thuốc BVTV bằng máy trên toàn bộ diện tích. Cùng với đó, địa phương đang tính toán, tìm hiểu khả năng xây dựng lò sấy thóc, giúp bảo quản tốt sau thu hoạch. Từ thành công trong việc cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, một bộ phận người dân có điều kiện chủ động gieo trồng sản xuất các loại cây vụ đông hàng hóa, chất lượng và cây dược liệu… trên đất lúa. Cách làm này góp phần quan trọng để Thanh Tân phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy