kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, thủy sản

Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, thủy sản

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn Hà Nam tiếp tục phát triển, chiếm tỷ trọng 56,5% trong cơ cấu nội ngành, đóng góp chủ yếu vào việc duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi, thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, đòi hỏi cần tăng cường quản lý để giữ đà tăng trưởng và phát triển đúng định hướng trong thời gian tới.

Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi thủy sản
Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Ngô Sỹ Tùng, HTX Nuôi trồng thủy sản Mộc Nam, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên). 

Chăn nuôi là ngành chủ lực trong nông nghiệp. Trong những năm gần đây, công tác quản lý về chăn nuôi đã được tăng cường, có hiệu quả trên các lĩnh vực: chuyển dịch cơ cấu con vật nuôi; quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản trên đất lúa; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thanh tra, kiểm tra sử dụng vật tư phục vụ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi… 

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 111 xã trên địa bàn Hà Nam. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát, lập chốt kiểm dịch, khử trùng tiêu độc, tiêu hủy lợn bệnh và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… Nhờ đó, dịch tả lợn châu Phi từng bước được khống chế, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh từng bước được khôi phục.

Để bảo đảm cho chăn nuôi lợn phát triển bền vững trong thời gian tới, đi đôi với công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ trương của tỉnh giảm quy mô tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh, không phát triển nóng về chăn nuôi lợn, giữ ổn định trong khoảng từ 360-400 nghìn con (đến năm 2025). Đây là định hướng cần thiết trong điều kiện thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, hoạt động giết mổ, chế biến thịt lợn chưa đáp ứng được yêu cầu và áp lực ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia tăng.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản từng bước được cơ cấu lại đối tượng cá có năng suất, giá trị cao, phát triển theo định hướng: thâm canh, tăng năng suất, ứng dụng công nghệ mới. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các đề án về phát triển sản xuất các khu nuôi trồng thủy sản tập trung và Đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết. 

Có thể thấy, công tác quản lý về phát triển chăn nuôi, thủy sản đang được tăng cường, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản đang phải đối mặt với những trở ngại lớn cần tăng cường quản lý để phát triển đúng định hướng. Vì rằng, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, chưa tạo được chuỗi liên kết chắc chắn; công nghiệp chế biến hỗ trợ chăn nuôi công nghiệp, tập trung chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch nông nghiệp đang có nguy cơ bị phá vỡ. Trong khi, địa phương thiếu quỹ đất để quy hoạch chăn nuôi tập trung, chưa có giải pháp để xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh và thiếu ổn định, dịch bệnh chăn nuôi ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là khi thực hiện Luật Chăn nuôi, nông dân ở nhiều địa phương sẽ không thể đầu tư vào chăn nuôi được nữa! Nhưng trên thực tế, chăn nuôi gia trại, chăn nuôi nông hộ vẫn đang là sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân, không thể chuyển đổi ngành nghề cho họ trong một sớm, một chiều.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Lĩnh vực chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đây là thách thức lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển trong 5 năm tới. Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực, luật không cho phép chăn nuôi trong khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý về chăn nuôi nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển.

Về phía ngành, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu rà soát chỉ rõ vùng nào được phép và không được phép phát triển chăn nuôi, tăng cường phối hợp để quản lý dịch bệnh và hướng dẫn nông dân chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn… Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương về lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, vì quy hoạch nông nghiệp đang bị yếu thế hơn so với quy hoạch khác. Tại hội nghị UBND tỉnh bàn về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên khẳng định: Duy Tiên đang có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi thủy sản tập trung ở xã Mộc Nam… Nhưng nếu thực hiện các quy hoạch phi nông nghiệp thì các mô hình này có nguy cơ bị xóa sổ, nhất là mô hình về chăn nuôi bò sữa ở xã Trác Văn. Điều này rất đáng tiếc vì không dễ dàng có thể xây dựng được thương hiệu Sữa Mục Đồng như hiện nay. Ông Ngô Văn Liên cho rằng, cần có giải pháp tạo sự ổn định về quy hoạch cho nông nghiệp phát triển.

Chủ trương chuyển đổi đất lúa ở các vùng quy hoạch sang nuôi trồng thủy sản đang được các địa phương thực hiện. Song những lo ngại về sử dụng đất sai mục đích và kém hiệu quả vẫn luôn hiện hữu. Việc chuyển đổi ra sao, quản lý chuyển đổi thế nào để đạt mục tiêu phát triển cũng cần giải pháp cụ thể.

Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới, đó là đẩy mạnh công tác quản lý và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn lực về đất đai. Rà soát quy hoạch chăn nuôi tập trung và nuôi trồng thủy sản tập trung, xem xét bổ sung quy hoạch chăn nuôi phù hợp nhằm tạo điều kiện khuyến khích đầu tư theo hướng chăn nuôi tập trung. Quy hoạch chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo vùng, các xã trọng điểm quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. 

Chăn nuôi, thủy sản vẫn là ngành chủ lực trong nông nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản cần tăng cường quản lý để đưa chủ trương, định hướng về phát triển chăn nuôi, thủy sản đi vào thực tiễn hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian tới. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy