Năm 2020, xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm) xây dựng mô hình trồng cây dược liệu trên đất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đây là 2 mô hình do Đảng ủy, UBND xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh vận động các hộ dân tự dồn ghép ruộng đất thành khu vực sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, khi mới gieo trồng được 3 vụ, khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ dược liệu ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Diện tích trồng cây dược liệu ở các địa phương có quy mô từ 2-3ha, với các giống cây, như: Cà gai leo, cỏ ngọt, xạ đen, hà thủ ô, đinh lăng, thìa canh. Hai mô hình này bước đầu đã thu hút được hơn 30 hộ nông dân tham gia sản xuất và hai vụ của năm 2020 bà con xuất bán được giá, thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa.
Cụ thể, tại xã Liêm Sơn, mô hình được xây dựng trên diện tích khoảng 3 ha ở thôn Chanh Thượng (HTX Nam Sơn) thu hút 29 hộ nông dân tham gia, tự dồn ghép ruộng với nhau và tổ chức sản xuất theo quy trình thống nhất trồng cây dược liệu cà gai leo. Mô hình này đã được ký kết với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và năm 2020 thu hoạch được 2 vụ, đạt bình quân 240 – 260 triệu đồng/ha (tương đương khoảng gần 8.000 đồng/kg tươi). Trong vụ đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, giá cà gai leo giảm, doanh nghiệp liên kết không về thu mua cà gai leo tươi, Đảng ủy, UBND xã Liêm Sơn đã chỉ đạo HTX đứng ra thu mua của bà con với giá 4,5 nghìn đồng/kg tươi sau đó phơi khô bán cho doanh nghiệp. Trong thời gian khoảng 15 ngày, cán bộ chủ chốt và các tổ chức đoàn thể trực tiếp chia ca thái dược liệu cả ngày, lẫn đêm. Sau khi cà gai leo phơi khô sẽ xuất bán cho doanh nghiệp với giá 22 nghìn đồng/kg. Việc tổ chức hỗ trợ tiêu thụ dược liệu cho bà con nông dân ở xã Liêm Sơn nhằm giúp địa phương duy trì hiệu quả mô hình trồng nông sản có giá trị kinh tế cao, tạo được sự tin tưởng của bà con nông dân.
Ông Lê Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Liêm Sơn cho biết: Tổ chức sản xuất 2 vụ đầu tiên rất suôn sẻ, bà con trong vùng rất phấn khởi có thêm nguồn thu nhập từ cây dược liệu hàng hóa. Tuy nhiên, đến vụ thứ 3 cây dược liệu đã đến thời kỳ thu hoạch, song doanh nghiệp đưa ra lý do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 không có công nhân về thu mua và sơ chế sản phẩm, bà con nông dân bức xúc yêu cầu chính quyền vào cuộc giải quyết.
Trước tình trạng này, Đảng ủy, UBND xã đã phải làm việc với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và yêu cầu đơn vị về thu gom cho bà con. Sau khi thống nhất, doanh nghiệp không thu gom cây tươi tại đồng ruộng và chuyển sang thu mua nông sản đã phơi khô. UBND xã đã chỉ đạo HTX đứng ra thu mua cây tươi cho bà con, sau đó sơ chế phơi khô xuất bán cho doanh nghiệp. Trong vụ tới, UBND xã Liêm Sơn sẽ có kế hoạch làm việc với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xác định rõ trách nhiệm của từng bên, để bà con yên tâm duy trì mô hình trồng cây dược liệu.
Đối với thị trấn Tân Thanh, mô hình trồng cây dược liệu lại đa dạng hơn với nhiều giống cây, như cà gai leo, cỏ ngọt, xạ đen, thìa canh, đinh lăng, hà thủ ô có diện tích gần 2ha. Năm 2020, bà con thu hoạch cà gai leo xuất bán với giá 8.000 đồng/1 kg tươi và 32 nghìn đồng/ 1 kg khô. Đến năm 2021, giá cà gai leo giảm xuống còn 22 nghìn đồng/1kg khô thì nhiều hộ lại có tư tưởng không muốn sản xuất.
Qua đánh giá bước đầu của UBND thị trấn Tân Thanh, việc đưa các giống cây dược liệu vào xây dựng mô hình ở địa phương chỉ có cây cà gai leo, xạ đen, thìa canh còn sống và phù hợp với chất đất, còn cây cỏ ngọt, đinh lăng, hà thủ ô gieo trồng bị chết. Trong thời gian này, UBND thị trấn Tân Thanh đã chỉ đạo HTXDVNN đánh giá lại toàn bộ mô hình, xác định rõ những giống cây trồng phù hợp với đồng đất ở địa phương, xây dựng phương án ký hợp đồng với với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm duy trì sản xuất.
Để cây dược liệu gieo trồng ở xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh đem lại hiệu quả kinh tế cao và được mở diện rộng, thiết nghĩ cần có sự đánh giá hiệu quả của từng giống cây dược liệu, hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo hướng bền vững.
Trần Hữu