Sản xuất nông nghiệp sinh thái trải nghiệm: Hướng đi nhiều triển vọng

Những năm gần đây, các xã nông thôn mới (NTM) trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng, hàng hóa. Trong đó, nhiều địa phương hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm. Cách làm này bước đầu đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.

Sản xuất nông nghiệp tại xã NTM Trác Văn (thị xã Duy Tiên) đang có sự thay đổi tích cực bằng những mô hình sản xuất mới. Cũng từ các mô hình này, nhiều người trong và ngoài tỉnh đã biết đến địa phương thông qua những lần về thực tế, trải nghiệm tại đây. 

Sản xuất nông nghiệp sinh thái trải nghiệm Hướng đi nhiều triển vọng
Vườn nho tại xã Đồng Du (Bình Lục), một trong những điểm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

Khu vườn trồng nho hạ đen theo tiêu chuẩn Viet Gap của anh Trần Anh Tuấn có diện tích 0,6 ha 4 năm tuổi đang cho quả là điểm đến của nhiều người khi vào vụ. Vào các ngày cuối tuần, anh Tuấn thường tiếp bình quân 20 – 30 lượt khách từ các nơi, kể cả TP Hà Nội về tham quan, trải nghiệm mua sản phẩm. Được biết, việc khách đến trải nghiệm vườn nho của anh Tuấn ngay từ năm đầu tiên có sản phẩm. Những người đến vườn xuất phát từ việc muốn trực tiếp tìm hiểu về quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm nho chất lượng không thua kém những vùng trồng truyền thống. Sau mỗi vụ khách đến tham quan vườn và mua sản phẩm càng nhiều. 

Hiện anh Tuấn đang đầu tư trồng thêm hơn 1 ha nho hạ đen ngay gần khu vườn cũ. Anh Trần Anh Tuấn chia sẻ: Việc có khách đến trải nghiệm tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng khi đến vườn không chỉ thấy được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà còn được mua nho với giá hợp lý. Hiện nay lượng nho sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy, còn không đủ so với nhu cầu mua của khách hàng.

Không chỉ có mô hình trồng nho hạ đen, tại xã Trác Văn còn có thêm những mô hình sản xuất nông nghiệp được khách hàng đến tham quan trải nghiệm. Như Trang trại Mục Đồng chăn nuôi bò sữa theo hướng hữu cơ và sản xuất ra các dòng sản phẩm từ sữa bò tươi: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm… Những sản phẩm này đều được bán tại hệ thống chuỗi cửa hàng nông sản sạch của TP Phủ Lý, TP Hà Nội… Để có được sự tin tưởng của khách hàng và xây dựng thương hiệu, trang trại thường xuyên tổ chức để các đại lý, cửa hàng đưa khách về trải nghiệm thực tế quá trình chăn nuôi. 

Hay Trang trại rau hữu cơ Happy Fam Trác Văn được khá nhiều đoàn khách đến thăm. Trong đó, nhiều trường mầm non đã tổ chức cho các cháu đến trải nghiệm, tìm hiểu về cây, củ, quả… Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTXDVNN Trác Văn, chủ Trang trại rau hữu cơ Happy Fam cho biết: Việc trải nghiệm tại các trang trại trên địa bàn xã đều xuất phát từ thực tế sản xuất. Thị xã Duy Tiên đang phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị, đồng nghĩa diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Do vậy, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế đang là hướng đi cho thấy sự phù hợp, hiệu quả.

Cũng như Trác Văn, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có những  mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản với hướng đi mới được nhiều người dân, khách hàng quan tâm, tìm đến tham quan. Cùng với mô hình trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản tại xã Đồng Du (Bình Lục) có diện tích hơn 2 ha đang trở thành điểm đến của khách hàng. Thay bằng việc mua nho về dùng tại các cửa hàng, nhiều khách hàng tìm về tận vườn vừa để mua nho, vừa muốn lưu lại những tấm ảnh đẹp với sản phẩm nho trong vườn.

 Hay nhà vườn chuyên trồng các giống hoa hồng cổ Đồng Mơ, xã Phù Vân (TP Phủ Lý) là một trong những mô hình vườn mẫu được địa phương xây dựng. Vào mùa hoa hồng chính vụ từ khoảng tháng 10 trở đi đến sang xuân năm sau vườn luôn rực rỡ hoa. Đây là khoảng thời gian khách từ các nơi về thăm vườn mua cây.

Anh Vũ Ngọc Đồng, chủ vườn cho biết: Khách đến thăm vườn, trải nghiệm, kể cả chụp ảnh chính là một trong những cách quảng bá tốt nhất cho nhà vườn. Từ việc những người đến thăm vườn giới thiệu, cây hoa hồng của gia đình được bán đi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Như đầu năm 2022 (giáp Tết Nguyên đán) nhà vườn đã chở trực tiếp 2 cây hồng cổ SaPa loại lớn giao cho khách tận TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Trao đổi về hướng phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm xuất phát từ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết: Việc đến thăm, trải nghiệm sản xuất giúp xây dựng niềm tin của khách hàng đối với các nhà vườn. Điều này cũng đòi hỏi người sản xuất phải luôn duy trì, bảo  đảm chất lượng sản phẩm.

Xuất phát từ thực tế và nhu cầu trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường tại không ít xã NTM đã bắt đầu hình thành những mô hình du lịch trải nghiệm. Những mô hình mới được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, có thu phí trải nghiệm. Cách làm này đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nổi bật nhất trong thời điểm này tại nhiều địa phương là mô hình trồng sen gắn với du lịch trải nghiệm, chụp ảnh. Nhiều chủ đầm sen đầu tư làm cầu, nhà chòi ra đầm để thu hút khách đến du lịch, chụp ảnh. Đồng thời vẫn khai thác các sản phẩm từ sen, như: hoa, hạt sen, ngó sen… Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) trong năm nay đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình tại xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) và Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) theo hướng kết hợp sản xuất và du lịch trải nghiệm. 

Sản xuất nông nghiệp sinh thái trải nghiệm Hướng đi nhiều triển vọng
Khách đến tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh tại đầm sen của chị Phạm Thị Tứ (xã Phù Vân, TP Phủ Lý).

Tại xã NTM kiểu mẫu Phù Vân người dân mới hình thành khu đầm sen thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh. Cụ thể, trên diện tích đất ruộng 1,7 mẫu, chị Trần Thị Tứ đang đầu tư chuyên trồng các giống sen nhập ngoại khai thác hoa bán cho người chơi. Trên đầm chị đã làm cầu, sàn phục vụ khách chụp ảnh. Mỗi khách đến đầm trả phí 50 nghìn đồng/buổi chụp ảnh với sen. Từ đầu vụ đến nay, hầu như ngày nào cũng có khách, đông nhất vào dịp cuối tuần, lên đến hàng chục lượt. Nhiều khách tìm đến, hoa sen của chị có thời điểm không đủ cung ứng. Chị Trần Thị Tứ cho biết: Tuy mới là vụ đầu tiên, nhưng mô hình sản xuất kết hợp với du lịch trải nghiệm của gia đình đang cho thấy hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Hiện tôi đang tiếp tục đầu tư trồng kín sen trên diện tích sản xuất và tạo thêm cảnh quan thu hút người dân đến du lịch trải nghiệm.

Mới đây, trong dự án thuê đất sản xuất của HTX Thanh Hà (Hà Nội) tại xã Đồng Du (Bình Lục) có diện tích gần 20 ha dự định chia làm 2 phần. Trong đó, ngoài sản xuất rau mầm theo hướng an toàn, HTX dành một phần diện tích đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Tại HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) có diện tích 5 ha trồng rau, củ, quả. HTX dự định trong thời gian tới sẽ dành một phần diện tích để các gia đình ở thành phố có thể về thuê lại, cuối tuần về nghỉ trải nghiệm tự trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Đây cũng là mô hình được áp dụng và chứng minh hiệu quả tại những thành phố lớn trong nước, như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Xây dựng NTM không ngoài mục đích nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Sản xuất nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm làm đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn mang đến triển vọng, hiệu quả kinh tế cao. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT đánh giá: Mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm là một trong những hướng đi triển vọng, tạo ra vùng nông sản hàng hóa an toàn, gắn kết theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người sản xuất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy