Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua quá trình thực hiện, bước đầu, nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về sản phẩm rau an toàn đã được nâng lên, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm này hiện vẫn còn gặp khó.
HTXDVNN Thanh Sơn (Kim Bảng) có diện tích đất nông nghiệp là 180 ha, trong đó có 20 ha đất màu. Trong đó, diện tích 10 ha đất màu nằm dọc theo dòng sông Đáy rất thuận lợi cho việc trồng và sản xuất rau các loại, theo mùa. Phát huy lợi thế đất bãi ven sông, từ lâu, sản xuất rau là nghề chính, đem lại nguồn thu chính cho các hộ có diện tích đất bãi ven sông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Hiển, Giám đốc HTXDVNN Thanh Sơn cho biết: Bao năm qua, người dân có diện tích đất bãi ven sông Đáy sản xuất rau theo kiểu truyền thống, mạnh ai nấy làm, tự sản, tự tiêu, vì vậy thu nhập bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, HTX tham mưu với UBND xã xây dựng quy hoạch diện tích đất bãi dọc theo sông Đáy để thực hiện mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn với quy mô 10 ha. Giai đoạn 1 thực hiện 5 ha, trong đó xây dựng được 3.000 m2 nhà lưới.
Khách hàng tham quan vùng sản xuất rau an toàn Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Khởi đầu, Thanh Sơn chỉ có khoảng 10 hộ tình nguyện tham gia mô hình. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay Thanh Sơn đã thành lập được tổ hợp tác, chia thành 3 nhóm hộ với trên 30 thành viên. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, được đi tham quan các mô hình hiệu quả, được dự một số buổi hội thảo… qua đó, nhận thức của nông dân về tầm quan trọng trong sản xuất rau an toàn được nâng lên rõ rệt. Người nông dân hiểu rõ việc chuyển đổi phương thức và tập quán sản xuất theo hướng an toàn là cần thiết, mang tính bền vững, vì vậy các hộ dân có diện tích đất bãi đã ủng hộ, tích cực tham gia. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong sản xuất rau an toàn hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Hiển, phần lớn sản lượng rau an toàn sản xuất ra hiện người dân vẫn tự tiêu là chính. Chỉ có một lượng nhỏ vào được một số bếp ăn của các trường học, doanh nghiệp và cửa hàng rau an toàn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về giá bán giữa rau an toàn và rau thường không đáng kể, thậm chí có thời điểm còn ngang bằng, trong khi đầu tư sản xuất rau an toàn cao hơn, mất nhiều công hơn. Vì vậy, để duy trì, phát triển mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, tìm đầu ra cho sản phẩm chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Nói về khó khăn trong sản xuất rau an toàn, ông Trần Ngọc Dũng, Phó Giám đốc HTX nông sản Cát Lại (xã Bình Nghĩa, Bình Lục) cũng khẳng định: Đầu ra cho sản phẩm chính là khó khăn cần phải có giải pháp thiết thực để tháo gỡ mới có thể duy trì, mở rộng và phát triển được mô hình.
Được biết, hiện nay chỉ có khoảng 20 - 30% sản lượng rau trên diện tích 4 ha sản xuất rau an toàn của HTX ký kết được đầu ra. Số còn lại, người dân chủ yếu bán cho các đầu mối tiêu thụ theo giá thỏa thuận.
Theo ông Dũng, cái được lớn nhất khi tham gia sản xuất rau an toàn là môi trường không bị ô nhiễm, bà con nông dân bắt đầu thực hiện sản xuất có kế hoạch, có nghiên cứu thị trường. Hiện nông dân đang thực hiện phương châm: Sản xuất sản phẩm thị trường cần chứ không phải có gì làm nấy như trước.
Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng rau, ngoài việc thực hiện kiểm tra chéo giữa các hộ, nhóm hộ; giữa người tiêu dùng, người tiêu thụ với người sản xuất, mỗi hộ gia đình đều có nhật ký đồng ruộng ghi rõ: Ngày xuống giống; ngày bón phân (phân bón loại gì, mua ở đâu, bón thế nào?); ngày phun thuốc trừ sâu (thuốc loại gì, mua ở đâu, phun trừ thế nào?), ngày thu hoạch… Trong năm 2018, HTX đã ký kết với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương thực hiện sản xuất gần 1 ha cải Hàn Quốc xuất khẩu. Qua trao đổi, nông dân sản xuất rau an toàn đều chung mong muốn, có đầu ra ổn định cho sản phẩm, như vậy, nông dân mới yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Người tiêu dùng được trực tiếp thu hái sản phẩm rau an toàn tại Cát Lại Bình Nghĩa.
Ông Dũng cho biết: Năm 2019, HTX dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng từ 5 – 7 ha sản xuất rau an toàn ra các vùng lân cận. Để tìm đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, thời gian tới, HTX sẽ có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng khá cao. Tuy nhiên, do thói quen, do giá thành nên số lượng người tiêu dùng sử dụng rau an toàn chưa nhiều, vì vậy đầu ra cho sản phẩm này vẫn khó. Để mô hình sản xuất rau an toàn thực sự phát huy được hiệu quả, ngày càng được mở rộng, ngoài sự nỗ lực của người nông dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn.
Phạm Hiền
Phạm Hiền