Kiên cố hóa (KCH) kênh mương là giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh đã KCH được hơn 1.000 km, chiếm gần 25% tổng chiều dài kênh mương, chủ yếu là kênh tưới chính. Các địa phương, HTXDVNN trong tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương kiên cố.
HTX Nông nghiệp Nhân Thắng, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) có tổng chiều dài hệ thống kênh mương nội đồng 31 km, với 6 km kênh trục chính của các trạm bơm. Toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của HTX đều nằm trong vùng tạo nguồn của hệ thống thủy lợi lớn (sông Châu), hệ thống kênh mương cần bảo đảm tốt năng lực phục vụ. Ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Thắng cho biết: Hội đồng quản trị luôn coi việc đầu tư cho hệ thống kênh mương là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, chú trọng đến kiên cố hóa kênh mương, nhất là các kênh trục chính dẫn nước của các trạm bơm.
Việc KCH kênh mương của HTX Nông nghiệp Nhân Tiến được tập trung triển khai từ năm 2022. Năm đầu tiên, HTX KCH được 2,7 km trong tổng số 6 km kênh tưới của trạm bơm đầu mối Ô Rô trực tiếp nhập nước từ sông Châu. Hiện nay, HTX tiếp tục KCH 3,3 km kênh tưới chính còn lại của trạm bơm Ô Rô. Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thiện sớm phục vụ trên kênh mới kiên cố ngay trong đợt lấy nước tưới sản xuất vụ lúa xuân 2024 tới. Ngoài ra, HTX đã KCH được gần 300m kênh tưới chính của trạm bơm nội đồng Vụng Chè có nhiệm vụ chuyển tiếp nước từ trạm bơm Ô Rô lên chân đất cao. Cũng theo ông Lê Hùng Tiến, giai đoạn trước HTX tập trung vào quy hoạch, bố trí lại hệ thống kênh mương nội đồng. Hoàn thiện kiên cố hóa kênh mương trục chính giúp nâng cao năng lực toàn hệ thống, nhất là rút ngắn thời gian phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất.
KCH kênh mương được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đợt làm thủy lợi nội đồng năm 2023, UBND huyện Lý Nhân đã hỗ trợ kinh phí KCH một số tuyến kênh tại HTX Nhân Thắng (Tiến Thắng) và HTX Thanh Nga (Phú Phúc). Tính chung, toàn huyện đã KCH được hơn 207 km kênh mương nội đồng, đạt 25% tổng số kênh mương trên địa bàn. Với huyện Bình Lục, chỉ tính trong năm 2022, đã KCH được hơn 16,6 km kênh mương. Một số tuyến kênh có chiều dài KCH lớn, như: Kênh Tân Hòa KCH 5,190 km, kênh Chính Tây hơn 4,951 km, kênh S5 gần 1,563 km, kênh tưới của HTXDVNN Đồn Xá hơn 1,784 km… Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục đánh giá: Toàn huyện đã KCH được 274,35 km kênh chính nội đồng. Kênh mương kiên cố tạo thuận lợi rất lớn, phục vụ chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống trên đồng ruộng. Hiện nay, các tuyến kênh tưới chính do Xí nghiệp thủy nông quản lý cơ bản đều được KCH. Kênh chính nội đồng do HTXDVNN quản lý đang được huyện từng bước hỗ trợ thực hiện KCH nâng cao năng lực phục vụ.
Thực tế cho thấy, KCH giúp phát huy và nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống kênh mương. Nước tưới cho mùa vụ được dẫn bởi kênh kiên cố không bị thất thoát. Thời gian lấy nước rút ngắn đến trên 60% so với kênh đất. Hằng năm, các đơn vị, HTXDVNN không phải tổ chức đào đắp, nạo vét, khơi thông dòng chảy như kênh đất. Đây là điều kiện thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất. Như HTXDVNN Đồn Xá (Bình Lục) đã KCH được tổng số 4,5 km, chiếm 60% chiều dài kênh trục chính nội đồng. Tưới, tiêu thuận lợi giúp HTX chuyển đổi cơ cấu, sản xuất lúa chất lượng chiếm 70% diện tích ở cả 2 vụ trong năm. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp sản xuất 50 ha giống lúa thuần nguyên chủng cho hiệu quả cao gấp hơn 1,2 lần lúa thương phẩm. Địa phương vẫn duy trì hơn 10 ha lúa đặc sản nếp cái hoa vàng… Theo ông Nguyễn Thế Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá, kênh mương được kiên cố là yếu tố quan trọng để địa phương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Tuy nhiên, quá trình KCH kênh mương vẫn đang gặp phải những khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy hết được hiệu quả. Để xây dựng kênh mương kiên cố cần nguồn kinh phí lớn. Với các HTXDVNN hiện nay nguồn chi cho công tác thủy lợi đều từ thủy lợi phí cấp bù của nhà nước, chỉ đủ sửa chữa, nạo vét và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Việc KCH kênh mương đều trông chờ vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, phần lớn các HTXDVNN mỗi năm chỉ thực hiện KCH được dưới 1 km, trong khi tổng chiều dài kênh mương mỗi địa phương bình quân khoảng 30 km, kênh trục chính 6 - 10 km. Đã có tình trạng những đoạn kênh làm trước xuống cấp, hỏng, nhưng vẫn chưa KCH được toàn bộ kênh chính ảnh hưởng đến năng lực phục vụ của cả tuyến…
Để phát huy hiệu quả cao nhất của hệ thống kênh mương được KCH, các địa phương cần lựa chọn những tuyến trục chính đầu tư hoàn thiện. Đồng thời, làm tốt công tác nội đồng, tạo sự đồng bộ trong toàn hệ thống. Cùng với đó, tranh thủ các nguồn lực thực hiện KCH kênh mương nội đồng, nhất là những tuyến kênh dẫn trạm bơm, vùng chuyển đổi phục vụ tốt yêu cầu sản xuất.
Mạnh Hùng