Phát triển nền nông nghiệp xanh

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn được xác định là mục tiêu chiến lược trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Hà Nam năm 2024 và những năm tiếp theo. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã và đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, rất nhiều giải pháp cần được triển khai thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT).

Phóng viên: Những năm qua, Hà Nam đã triển khai đồng loạt nhiều chính sách thúc đẩy, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tạo ra giá trị gia tăng lớn và khả năng cạnh tranh cao. Đó phải chăng chính là tiền đề quan trọng để Hà Nam hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững?

Ông Lê Hoàng Thuyên: Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… bảo đảm nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường. Nhận thức được vấn đề đó, những năm qua tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đặc biệt, ngành NN&PTNT đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 về ban hành quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3724/KH-UBND ngày 31/12/2021 thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15/9/2021.

Cùng với đó, ngành tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để tập trung triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả cao như: Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ nhiệm vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2022; Đề án Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023; Đề án Mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết; Kế hoạch Hỗ trợ mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023-2025; Đề án Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp năm 2023…

Chế biến dưa chuột xuất khẩu tại Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân).
Ảnh: Thành Nam

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại không ít địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng của thị trường. Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Trong lĩnh vực trồng trọt một số mô hình điển hình áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp không sử dụng chất hóa học, mô hình máy cấy, cấy lúa hiệu ứng hàng biên, sử dụng phân bón hữu cơ PAN đã cho hiệu quả tích cực. Với chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi giun trùn quế,… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần làm giảm các chi phí đầu vào tăng giá trị sản phẩm, phần nào tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc tiến tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững và nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Phóng viên: Có nhiều mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh đã được triển khai hiệu quả và ngày càng nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có những khó khăn, hạn chế. Vậy nguyên nhân cốt yếu ở đây là gì?

Ông Lê Hoàng Thuyên: Trong những năm qua, ngành NN&PTNT đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững. Thực tế cho thấy, hiệu quả về kinh tế cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã được nâng lên đáng kể, hình thành vùng sản xuất theo quy mô tập trung; sản xuất nông nghiệp sạch... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; môi trường; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, đây là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn; thị trường giá cả vật tư, con giống thiếu ổn định; ruộng đất manh mún; thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hoá... Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm không được bảo đảm ổn định cho mô hình sau khi được nhân rộng, rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Về hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều. Lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nên vào thời vụ thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao. Nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh để kích thích phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, tập trung.

Phóng viên: Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải  pháp trọng tâm nào?

Ông Lê Hoàng Thuyên: Với mục tiêu năm 2024 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.744 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 1,9% so với năm 2023; sản lượng lương thực đạt 365.870 tấn (trong đó, lúa 340.395 tấn, ngô 25.475 tấn, thịt hơi xuất chuồng 99.700 tấn, sản lượng thủy sản 25.600 tấn); tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 89%). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao đến năm 2024 phấn đấu 50 xã. Để hoàn thành các chỉ tiêu của nghị quyết, ngành NN&PTNT  cần tập trung chỉ đạo giải quyết một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 15/11/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ba là, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất; thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, an toàn và xử lý tốt môi trường; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bốn là, phát triển và nhân rộng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất như làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Mở rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn bằng sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón công nghệ nano, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học; xây dựng thí điểm các mô hình cánh đồng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đánh giá tổng kết và nhân rộng.

Năm là, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh thực chất, hiệu quả, có chiều sâu; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với tăng cường liên kết để phát triển mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, văn minh gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng, triển khai chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, mở rộng diện tích sản xuất các cây trồng vụ đông trên đất 02 vụ lúa, chú trọng sản xuất các cây trồng hàng hóa có giá trị thu nhập cao như cây dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai tây. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm chủ lực. Chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy