Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân - Kỳ 3: Hiện thực hóa ước mơ

Khát vọng muốn biến cả vùng đất trũng ven đê sông Cụt trở thành khu du lịch nổi tiếng của thành phố Phủ Lý, một điểm đến hấp dẫn với du khách khi về Hà Nam, hàng chục năm trời ông Lê Đức Ân phải lo toan các thủ tục pháp lý về đất đai, tập hợp nhân lực, vật lực… thực hiện kế hoạch của mình. Vừa làm dự án của cá nhân, vừa giúp đỡ anh em, làng xóm xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp “ra ngô, ra khoai”, ông Ân đã tạo được niềm tin đối với lãnh đạo thành phố. Con đường hiện thực hóa ước mơ của ông đang rộng mở khi Dự án đầu tư xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp tập trung được UBND tỉnh phê duyệt.

Tin liên quan
Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân            Bài 3 Hiện thực hóa ước mơ
Toàn cảnh Dự án của ông Lê Đức Ân, thôn 5, xã Phù Vân.

Mười hai năm “bì bõm với mục tiêu của mình”, ông Ân đã bỏ một số tiền đầu tư gần 30 tỷ đồng cho việc triển khai mô hình … Khó khăn nhất với ông vẫn là vấn đề đất đai. Ông chọn giải pháp thuê đất của bà con nông dân để tích tụ. Gần 100 hộ gia đình có đất ven đê đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông thuê lại, nhà nào có nhu cầu bán, ông cũng làm thủ tục mua ngay, không để “đất chơi lâu”. Mọi tính toán trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Thực tế, do cơ chế về đất đai có những quy định chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ như HTX của ông nên việc chọn phương án gia đình đứng ra thuê đất, rồi đóng cổ phần vào HTX để làm ăn cho phù hợp với tình hình. Chia sẻ chuyện này, ông Ân nói: “Các thủ tục đầu tư mình phải xoay xở, làm thế nào cho đúng quy định của Nhà nước về đất đai, tích tụ mình làm. May mắn là lãnh đạo xã Phù Vân, lãnh đạo thành phố hơn 2 nhiệm kỳ qua đều rất ủng hộ tôi, khuyến khích thực hiện mô hình, coi đó là mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Vì thế, tôi có động lực để làm, thực hiện mục tiêu của mình”

Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân            Bài 3 Hiện thực hóa ước mơ
Ông Lê Đức Ân với Bản Quy hoạch Tổng thể mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp tập trung mới.

Cả một dải đất ven đê sông Cụt dài gần 500 m, chỗ rộng nhất 150 m thuộc về dự án của ông. Một buổi chiều cuối tháng 9/2022 đến thăm mô hình của ông Ân, một lãnh đạo thành phố Phủ Lý nói với chúng tôi: “Thông báo cho các đồng chí phóng viên, mình vừa dự cuộc họp của xã với bà con nông dân về dự án của anh Ân, cơ bản là họ ủng hộ anh ấy. Còn vài hộ chưa thống nhất, thỏa thuận được, giao cho  địa phương vận động để tạo điều kiện cho anh ấy triển khai sớm…” Ông Ân mừng lắm, mời chúng tôi ra chòi ngoài vườn uống trà. Ông gọi vợ hái vài quả bưởi Mỹ đãi khách. “Cây nhà lá vườn, mời các anh các chị! Đấy, xu hướng phát triển dự án này của tôi dành một phần để sản xuất rau sạch. Các anh, các chị biết không, mừng nhất với tôi giờ còn là chuyện vấn đề con sông Cụt đã được giải quyết. Tháng 7/2022, Hội đồng Nhân dân thành phố họp kỳ họp thứ năm, khóa XIX, đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đập tràn điều tiết, ngăn giữ nước trên sông Cụt với kinh phí xấp xỉ 15 tỷ đồng, giúp cho bà con nhân dân xã Phù Vân có điều kiện canh tác và xây dựng cảnh quan môi trường phục vụ du lịch sinh thái.”

Lần nào đến đây, ông Ân cũng nói chuyện con sông Cụt. Nó chảy vào lòng người dân Phù Vân bao đời nay, nhưng khi con sông Nhuệ được đào, sông Cụt trở thành sông chết. Mỗi lần nước sông Nhuệ dâng cao tràn vào đây làm úng lụt, ô nhiễm cả vùng đất canh tác ven sông. Ở phía trong đê, việc tưới tiêu của bà con cũng khó khăn không kém. Mùa nước rút, chẳng có nước đâu sẵn mà bơm vào. Người dân phải dòng nước từ trạm bơm Kim Bình sang, rất bất tiện. Phải ứng biến với tình hình đó, mỗi hộ dân trồng hoa ở thôn 5 đều khoan một cái giếng tại ruộng. Dân biết, nước giếng khoan tưới hoa không thể làm cho hoa đẹp như nước sông. Nhưng không có cách nào nên đành làm vậy…

Đồng chí Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Thành phố rất biết tâm huyết của anh Ân khi triển khai mô hình HTX Du lịch sinh thái hoa cây cảnh, giờ là Dự án Đầu tư xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp tập trung. Phải có  quyết tâm, có kỹ năng quản lý, liên kết, hợp tác và thị trường, anh ấy mới làm được như bây giờ đấy!”.

Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân            Bài 3 Hiện thực hóa ước mơ
Đồng chí Trần Văn Tiên, Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân phát biểu về một vấn đề phát triển kinh tế, quy hoạch trong thôn tại buổi sinh hoạt chi bộ thôn 5.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Quân cho biết, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản chấp thuận đề xuất của thành phố về chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp tập trung do hộ gia đình ông Ân làm chủ với diện tích trên 39.600m2. Hiện, thành  phố đang chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cơ quan có liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cập nhật đồng bộ các quy hoạch liên quan như quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất…; phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái Phù Vân đảm bảo đồng bộ, thống nhất theo các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Chúng ta chẳng khó khăn gì để có thể hình dung ra diện mạo dự án này  trong những năm tới. Bởi,  những thành quả nhìn thấy mà ông Ân xây dựng hơn chục năm qua, tạo đà cho các dự án tới đây đã sẵn sàng, đã có hồn có cốt. Trong cả khu đất đã có và được xin thêm, ông Ân chia nó làm 3 khu. Thứ nhất là khu  sản xuất cây cảnh diện tích khoảng 1 ha. Thứ hai là khu trải nghiệm rộng 1 ha. Thứ ba là khu sản xuất rộng 2 ha, trong đó có cả hồ sen…

Ông Ân chia sẻ thật lòng: Anh em trong HTX đã thống nhất với nhau một mục tiêu là làm dịch vụ sản xuất hoa cây cảnh, những sản phẩm nông nghiệp mà địa phương chưa có để kích cầu nhân dân tập trung sản xuất. Mình phải tính đến chuyện khi phát triển dịch vụ, hàng hóa cần được nhập về bán, không thể trông chờ tất cả vào sản xuất ở đây được. Bởi vì, có những loại cây một năm hoặc thậm chí vài năm mới cho thu nhập. Trong khi ta chỉ có một mét vuông đất, ta không thể nào trồng hết các loại cây mà thị trường yêu cầu được. Phải nhập về, phải trao đổi, phải liên kết thị trường thì những sản phẩm mình không trồng được, mình mua về thuê nhân công cắt tỉa, chăm sóc ngắn ngày, bán lấy lãi. Nghĩ mà xem, có những cây ở đây này, bằng tuổi, hơn tuổi anh em mình đấy, không làm được đâu!...

Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân            Bài 3 Hiện thực hóa ước mơ
Một trong những mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ở thôn 5 có giá trị kinh tế cao hiện nay...

Thời gian qua, vài anh em trong HTX đã mở công ty chuyên nấu ăn cho các khu công nghiệp, cần một lượng rau lớn. Dự án mới của ông Ân đi vào hoạt động sẽ là nguồn cung cấp chính cho các công ty này. Yêu cầu của họ là thực phẩm sạch. Tất cả những yêu cầu này đều nằm trong dự án của ông Ân. Tuy nhiên, ông Ân luôn hiểu chân lý “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Ông đã tự mình chọn một con đường cho bản thân, đã có những bạn đồng hành mở thêm nhiều con đường mới, nhưng vẫn cần có sự hợp tác bền vững từ phía những nhà đầu tư mới để Dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Câu chuyện của đảng viên Lê Đức Ân làm kinh tế không phải là câu chuyện mới, nhưng nói đến khía cạnh nào của ông, người ta cũng tìm thấy cái mới trong tư duy. Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phủ Lý là một trong những người có cái nhìn tích cực nhất, đặt hy vọng nhiều vào các mô hình, dự án của ông Ân. Bởi, quá nhiều năm, vùng đất Phù Vân dù có tiềm năng nhưng chưa thể cất cánh vì chưa có nhiều nhân tố xuất sắc tổ chức sản xuất, xây dựng phong trào như ông  Ân. Khi ông Ân làm Bí thư chi bộ, lãnh đạo các hội đoàn thể khác, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, chủ động tạo lập các mối quan hệ sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Đức Toàn đánh giá ông Ân là một nông dân có tư duy kinh tế, có kiến thức tổng hợp về khoa học kỹ thuật, nông nghiệp và thị trường. Đồng chí khẳng định: “Anh ấy đúng mẫu một nông dân chuyên nghiệp thời đại mới! Một nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, bán cái mà thị trường cần, hiểu được giá trị của tinh thần hợp tác và liên kết. Với cung cách làm ăn của anh ấy, ở Phù Vân giờ có thêm nhiều nông dân chuyên nghiệp, chuyên tâm làm ăn, làm giàu và tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Nhờ những người nông dân ấy, các phong trào xây dựng phát triển kinh tế ở Phù Vân trở nên thiết thực, tác động lại những chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước  hiệu quả, đi vào đời sống tích cực hơn.”

Giang Nam - Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy