Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Nông dân, doanh nghiệp và HTX cùng có lợi

Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia; đặc biệt giúp nông dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. 

HTXDVNN xã Liên Sơn (Kim Bảng) duy trì thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa chuột cho nông dân với doanh nghiệp đã được khoảng 15 năm. Nhờ duy trì tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nên diện tích trồng dưa vụ đông của HTX được mở rộng từ 7-8 ha/vụ lên khoảng 15ha/vụ trong 5 năm trở lại đây. 

Nói về việc thực hiện liên kết, bà Phạm Thị Hương, Giám đốc HTXDVNN Liên Sơn cho biết: Vụ đông năm 2021, vụ xuân năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ duy trì tốt việc thực hiện liên kết nên sản phẩm dưa của nông dân Liên Sơn vẫn được thu mua hết theo giá ký kết. Nếu không có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn sản phẩm dưa chuột của nông dân sản xuất ra sẽ khó tiêu thụ hết trong điều kiện hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập đông người… để phòng, chống dịch Covid -19.

Hàng chục năm nay, năm nào cũng vậy, bước vào vụ sản xuất mới, HTXDVNN Liên Sơn, đại diện doanh nghiệp thu mua, đại diện thôn và các hộ trồng dưa chuột có buổi họp để bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất các điều khoản; đồng thời ký kết tiêu thụ sản phẩm dưa chuột cho bà con nông dân.

Được biết, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, trong hợp đồng ký kết có điều khoản ghi rõ: Khi giá thị trường tăng, doanh nghiệp có điều chỉnh tăng theo giá thị trường. Nếu giá thị trường giảm, bảo đảm thu mua đúng giá đã ký kết ban đầu. Doanh nghiệp cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nông dân kinh phí làm đất. Nếu không may chịu thiệt hại bởi bão, mưa úng lớn, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tiền giống để nông dân gieo trồng lại.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Nông dân doanh nghiệp và HTX cùng có lợi
Nông dân xã Liên Sơn (Kim Bảng) thu hoạch dưa chuột vụ hè thu.

Có đầu ra ổn định, những năm qua, nông dân Liên Sơn yên tâm sản xuất. Hiện nay, ở Liên Sơn trung bình, mỗi hộ trồng từ 2 – 5 sào dưa/vụ, hộ trồng nhiều lên tới trên 7 sào dưa/vụ đông. Từ trồng dưa chuột, nhiều hộ gia đình thu hàng chục triệu đồng/vụ. Tiêu biểu: Gia đình ông Hoàng Văn An, thôn Đồng Sơn thu trên 60 triệu đồng/vụ dưa đông; gia đình bà Nguyễn Thị Bẩy, thôn Đồng Sơn thu khoảng 50 triệu đồng/vụ dưa đông; gia đình bà Nguyễn Thị Vòng, thu trên 40 triệu đồng/vụ dưa đông... Thu nhập từ trồng dưa cao gấp khoảng 4-5 lần so với cấy lúa nên nông dân rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Ngoài vụ dưa đông, nông dân Liên Sơn còn trồng dưa vụ xuân (diện tích từ 5-7 ha), vụ hè thu (diện tích từ 3-5 ha).

Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm, trong quá trình liên kết, cũng có tình trạng, khi giá dưa ngoài thị trường tăng, một số hộ có bán ra ngoài. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện, HTX kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng cam kết đã ký trong tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Nhờ vậy, tình trạng trên đã nhanh chóng được khắc phục. Đặc biệt, trong quá trình thu mua, nếu nông dân có phản ánh, kiến nghị, đại diện HTX, đại diện thôn sẽ có mặt kịp thời để giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho nông dân.

Thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng từ năm 2018 đến nay, bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTXDVNN xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân chia sẻ: Mỗi vụ HTX ký kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên 30ha lúa (chủ yếu nằm ở các cánh đồng mẫu). Về giống lúa, cấy theo yêu cầu, thỏa thuận của doanh nghiệp. HTX chịu trách nhiệm lo cung ứng đầu vào (gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho nông dân. Cái được của việc liên kết tiêu thụ sản phẩm là vai trò, năng lực phục vụ của HTX được nâng lên; quy tụ được các tổ đội sản xuất tham gia làm dịch vụ với HTX.

Thời gian qua, hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, đội ngũ cán bộ HTXDVNN Nhân Mỹ chủ động học hỏi, năng động, sáng tạo, linh hoạt nghiên cứu thị trường, tìm doanh nghiệp có uy tín để thực hiện liên kết, bảo đảm lợi ích chính đáng cho nông dân. Bên cạnh đó, HTX xã chịu trách nhiệm lo cung ứng đầu vào, nông dân không lo hàng giả, hàng kém chất lượng; giá thành lại giảm so với giá ngoài thị trường. Đặc biệt, nhờ có ký kết tiêu thụ sản phẩm nên nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, yên tâm đầu tư sản xuất. Vừa qua, doanh nghiệp thu mua có thông báo muốn thay đổi giống lúa mới trong vụ tới, HTX Nhân Mỹ đã tổ chức họp dân lấy ý kiến. Phần lớn nông dân đồng tình chuyển đổi giống để tiếp tục duy trì việc ký kết trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do diện tích lớn, tập trung trong quá trình liên kết, chỉ cần một vài hộ dân không đồng tình sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện. 

Năm 2016, HTXDVNN La Sơn, huyện Bình Lục bắt đầu triển khai thực hiện mô hình liên kết trong tiêu thụ lúa. Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: Bình quân mỗi vụ HTX có khoảng 50 ha lúa ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Giống lúa cấy theo yêu cầu, thỏa thuận của doanh nghiệp, một phần doanh nghiệp cung ứng, một phần HTX đảm nhiệm. Cuối vụ, doanh nghiệp về thu mua thóc tươi tại đầu bờ. Hiệu quả của việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm là nông dân không phải lo tìm đầu ra, giá thành ổn định. Tuy nhiên, muốn thực hiện liên kết cần tích tụ, tập trung diện tích lớn, cần sự đồng thuận của tất cả người dân. Trong quá trình thực hiện, chỉ cần một số hộ không ủng hộ, việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến diện tích liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng.

Toàn tỉnh hiện có 234 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Những năm qua, phần lớn các HTX thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất; mạnh dạn tiếp nhận, áp dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đem lại hiệu quả giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Nhiều HTX xây dựng được cánh đồng mẫu, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đến nay có khoảng 40% HTX nông nghiệp đã thực hiện được liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ liên kết, quá trình sản xuất được thực hiện theo kế hoạch, tránh được tình trạng dư thừa, tồn đọng sản phẩm. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm với giá thu mua ổn định. 

Để góp phần thúc đẩy việc thực hiện liên kết, thời gian qua, bên cạnh việc quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm cho đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX, hằng năm, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh kết nối, ký kết tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm...

Liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa; tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất của cán bộ HTX; bảo đảm lợi ích của các bên tham gia...

Thời gian tới, để thúc đẩy quá trình thực hiện liên kết, cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động; có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp… Đặc biệt, các các bên tham gia liên kết cần thực hiện đúng hợp đồng ký kết… Có như vậy, việc liên kết mới bảo đảm được tính ổn định, hiệu quả và bền vững. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.