Hằng năm, tỉnh Hà Nam phấn đấu gieo trồng khoảng gần 9.000 ha cây màu vụ đông, trong đó có hơn 60% diện tích trên đất 2 lúa. Các địa phương trong tỉnh đều hướng đến sản xuất các loại cây trồng hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Việc tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân thông qua HTXDVNN và các đại lý được quan tâm, bảo đảm thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.
Vụ đông 2023, Xã Lê Hồ (Kim Bảng) gieo trồng 185 ha cây màu các loại, trên diện tích đất 2 lúa. Trong đó, riêng 2 loại cây chính đạt trên 120 ha, gồm: 70 ha bí đỏ và hơn 50 ha dưa chuột. Để bảo đảm được diện tích gieo trồng theo kế hoạch, ngay từ đầu vụ HTXDVNN Lê Hồ đã tìm đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa cho người dân. Với cây dưa chuột, được các đại lý trên địa bàn cung cấp hạt giống và thu mua sản phẩm. HTX điều hành các đại lý hoạt động trên vùng nhất định tránh việc tranh mua, tranh bán. Riêng cây bí đỏ, trực tiếp Hội đồng quản trị HTX liên hệ với doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, 30 ha ngô nếp, nếu người dân có nhu cầu HTXDVNN Lê Hồ cũng giúp tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Từ hướng đi này, sản xuất vụ đông của Lê Hồ luôn được bảo đảm về diện tích và cơ cấu cây trồng hàng hóa. Ông Tạ Quốc Toản, Giám đốc HTXDVNN Lê Hồ cho biết: Đối với cây trồng vụ đông, khi tổ chức sản xuất hàng hóa việc liên kết tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng. Hướng đi này bảo đảm sản phẩm không bị ứ đọng khi thu hoạch, giá bán ổn định.
Với các địa phương của huyện Kim Bảng, việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông hàng hóa đang được triển khai hiệu quả. Vai trò của HTXDVNN được nâng cao trong công tác điều hành và làm dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm. Xã Văn Xá sản xuất hơn 25 ha cây dưa chuột xuất khẩu quả trung, tuy không trực tiếp làm dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản, nhưng HTXDVNN Văn Xá luôn làm tốt công tác điều hành để các đại lý thu mua trên địa bàn cam kết trả người dân theo giá sàn 4,7 nghìn đồng/kg, điều chỉnh tăng theo giá thị trường. HTX trích quỹ hỗ trợ sản xuất tiền làm đất vụ đông cho diện tích dưa chuột xuất khẩu mức 55 nghìn đồng/sào. Hay ở HTXDVNN Tượng Lĩnh vẫn duy trì ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại 40 ha ngô nếp cho người dân… Được biết, chỉ tính riêng cây xuất khẩu trong vụ đông huyện Kim Bảng có kế hoạch trồng 1.170 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích gieo trồng, gồm: Cây dưa chuột 425 ha, cây khác 745 ha. Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, huyện chỉ đạo các địa phương chú trọng phát triển các loại cây hàng hóa, nhất là cây có giá trị xuất khẩu. Đồng thời, yêu cầu khi xây dựng kế hoạch phải quan tâm đến giải pháp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện có trên 60% số HTXDVNN của huyện thực hiện được dịch vụ tiêu thụ nông sản vụ đông.
Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông đang được thực hiện với khá nhiều hình thức tại các địa phương trong tỉnh. Nhiều nơi, doanh nghiệp ký với đại lý triển khai trồng và thu mua sản phẩm. Vào vụ, đại lý xây dựng vùng sản xuất và thu mua sản phẩm cho người dân ngay tại bờ ruộng theo giá thị trường tại thời điểm thu mua. Một số HTXDVNN duy trì ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vụ đông bảo đảm giá sàn trong cả vụ và điều chỉnh khi thị trường tăng giá. Tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân có hai HTX Nông nghiệp (Chân Lý và Tân Lý) ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn đóng trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cho 20 ha dưa chuột xuất khẩu. Vụ đông năm nay, mức giá sàn doanh nghiệp ký đầu vụ 10 nghìn đồng/kg dưa bao tử (loại 4 – 6 cm), tăng 1 nghìn đồng so với vụ trước. Để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp ứng trước 500 nghìn đồng/sào (tiền giống), sau trừ vào tiền bán sản phẩm. Đơn vị thu mua phối hợp với HTX Nông nghiệp đặt các điểm cân sản phẩm tại thôn, xóm vào thời điểm thu hoạch. Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn cho biết: Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đem lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Nông dân không phải tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, còn doanh nghiệp chủ động được lượng nguyên liệu phục vụ chế biến theo đơn hàng xuất khẩu đã ký với đối tác.
Thực tế cho thấy, việc liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm vụ đông đem lại hiệu quả cao trong phát triển sản xuất. Một số loại cây vụ đông chủ lực của tỉnh đang thực hiện liên kết, như: dưa chuột, bí đỏ, ngô nếp, ngô ngọt… Riêng cây dưa chuột xuất khẩu được xác định là hướng đi chủ lực trong vụ đông tại nhiều địa phương do cho giá trị cao vượt trội, bình quân mỗi sào thường đạt 8 – 10 triệu đồng/vụ. Để mở rộng diện tích sản xuất và phát huy hiệu quả loại cây trồng này được liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chế biến. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cùng một số doanh nghiệp ngoài tỉnh liên kết sản xuất, thu mua dưa chuột xuất khẩu. Do vậy diện tích sản xuất dưa chuột của tỉnh trong vụ đông luôn duy trì từ 750 - 800 ha, trong đó hơn 70% diện tích làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Các địa phương trong tỉnh đang thực hiện khá tốt liên kết thúc đẩy phát triển sản xuất. Người dân khi có hợp đồng liên kết chú trọng hơn đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục định hướng, tuyên truyền, tạo diễn đàn xúc tiến thương mại để tăng cường hơn nữa mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân.
Sản xuất vụ đông được xác định nâng cao giá trị và đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân khu vực nông thôn. Vì thế, cần có hướng đi và giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc quy hoạch vùng trồng cũng như tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vụ đông.
Mạnh Hùng