Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là giải pháp hiệu quả, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến giải pháp hiệu quả này. Vì thế, khi chăn nuôi được mở rộng đã làm cho môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nặng nề hơn.
Nhờ sử dụng hầm biogas, gia đình chị Trần Thị Phường, thôn Thượng, xã Trịnh Xá (TP. Phủ Lý) không bị ô nhiễm từ chăn nuôi lợn.
Chi phí xây dựng một hầm biogas dung tích 10 m3 từ 12-15 triệu đồng. Mức đầu tư này là không nhỏ đối với những hộ điều kiện kinh tế khó khăn. Vì thế, nhiều hộ không sử dụng hầm biogas mà chọn giải pháp xả chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường xung quanh (hồ, ao, kênh tiêu).
Ông Vũ Văn Thế, Trưởng thôn 6, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: “Vốn có nghề làm bún, bánh, thôn 6 có thời điểm nhà nhà chăn nuôi lợn. Số hộ chăn nuôi nay đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều, song chỉ có ít hộ sử dụng hầm biogas. Nguyên nhân là vì chi phí đầu tư khá lớn. Lượng chất thải chăn nuôi và nước thải từ các hoạt động sản xuất của làng nghề chưa được xử lý đều được xả trực tiếp ra môi trường (sông Châu và ao hồ trong thôn), làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đến nay, chúng tôi chưa có biện pháp nào xử lý triệt để”.
Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các ao, hồ ở thôn 6 đã ở mức báo động. Tất cả các ao chứa nước thải đều nhuốm màu đen kịt. Chỉ có duy nhất một loại thực vật sinh sống được, đó là bèo tây. Đây là hậu quả do con người không kiểm soát được nguồn phát thải trong suốt một thời gian dài. Người dân thôn 6 có quan tâm, nhưng vì coi đó là việc chung, lại không bị xử phạt nên ít người muốn bỏ tiền túi để tự xử lý các chất phát thải từ sản xuất, chăn nuôi của chính gia đình mình.
Ông Vũ Văn Thế trăn trở rất nhiều khi nghĩ về môi trường sống của người dân trong thôn. Ông mong muốn các cấp, ngành có giải pháp hiệu quả, giúp người dân khắc phục và kiểm soát được nguồn nước thải chăn nuôi và sản xuất ở làng nghề.
Ở những nơi, người chăn nuôi quan tâm đến xử lý chất thải, đồng nghĩa với việc môi trường được bảo vệ tốt hơn. Hộ gia đình chị Trần Thị Phường, anh Ngô Thế Huê, ở thôn Thượng, xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) là một trong số ít những hộ đi đầu về sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi ở địa phương.
Năm 2005-2006, vợ chồng chị Phường đầu tư gần chục triệu đồng xây dựng hầm biogas, dung tích hơn 20 m3. Anh Ngô Thế Huê cho biết: "Ngay khi có ý định phát triển chăn nuôi, gia đình tôi quan tâm đến biện pháp xử lý chất thải. Nếu không có hầm biogas, gia đình tôi đã phải sống trong cảnh ô nhiễm lâu rồi".
Mặc dù đã xây dựng hàng chục năm, nhưng hầm biogas của gia đình anh Huê vẫn còn sử dụng tốt, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của gia đình. Với tổng đàn lợn hiện có hơn 20 con, bao gồm cả lợn nái và lợn thịt, có lúc tổng đàn lợn của gia đình anh Huê tăng gấp đôi, gấp ba (cả lợn sữa và lợn thịt), song chưa bao giờ anh Huê phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của gia đình.
Anh Huê chia sẻ, chăn nuôi nông hộ quy mô vừa và nhỏ hiệu quả kinh tế không cao và không ổn định. Điều này tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư kinh phí của nông dân đối với vấn đề xử lý chất thải. Để khuyến khích nông dân sử dụng hầm biogas, tôi cho rằng, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) cũng khẳng định: "Những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ là những hộ ít quan tâm đến thực hiện các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với những trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, vấn đề kiểm soát nguồn phát thải chăn nuôi tốt hơn nhiều".
Khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng hầm biogas, trong giai đoạn 2011- 2015, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng từ 300-400 hộ chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas dung tích nhỏ, mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm, tức là khoảng 8 - 10% tổng chi phí đầu tư.
Chương trình hỗ trợ này thuộc Dự án Khí sinh học quốc gia, do một tổ chức nước ngoài tài trợ. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) là đơn vị đầu mối triển khai chương trình.
Ông Tạ Đức Thắng cho rằng: Thực tế cho thấy, sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là giải pháp tốt để giảm ô nhiễm môi trường, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. Dù mức hỗ trợ xây dựng một hầm biogas mới không nhiều, nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc kích cầu các hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng. Tuy vậy, hầm biogas cũng có hạn chế nhất định, chỉ phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 10-15 con lợn), không phù hợp với chăn nuôi quy mô lớn.
Khuyến khích sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường là cần thiết, song về lâu dài, rất cần thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn. Đây được coi như những giải pháp "cần và đủ" để giảm áp lực về ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng.
Bích Huệ
Bích Huệ