Thời gian qua, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trong tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn là đội ngũ cán bộ HTX nhiều nơi tuổi cao, tác động không nhỏ đến việc đổi mới hoạt động, áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin... vào quá trình điều hành dịch vụ sản xuất.
HTXDVNN Nhân Mỹ (Lý Nhân) đảm nhận phục vụ sản xuất trên diện tích 400 ha của toàn xã, đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn còn hạn chế. Điều này một phần xuất phát từ tuổi đời của các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) HTX cao, bình quân 60 tuổi. Trong đó, chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX 65 tuổi; phó chủ tịch HĐQT, phó giám đốc HTX hơn 70 tuổi. Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX đã tham gia hoạt động trong HTX 45 năm. Bù lại, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXDVNN Nhân Mỹ có trình độ Đại học Nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt. Do vậy, về cơ bản việc điều hành sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng của HTX vẫn đáp ứng được yêu cầu. HTXDVNN Nhân Mỹ hiện nay duy trì tốt các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất (thủy nông, bảo vệ thực vật, khuyến nông…). Đồng thời, HTX thực hiện thêm một số dịch vụ thỏa thuận, như: cung ứng giống, vật tư phân bón, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ thóc cho người dân…
Mặc dù vậy, theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXDVNN Nhân Mỹ, lãnh đạo trong HĐQT HTX tuổi cao là trở ngại không nhỏ trong quá trình đổi mới, tiếp nhận ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất. Để phát huy tốt và đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ số và hội nhập, HTX đang tính toán, chuẩn bị nguồn cán bộ trẻ có trình độ thay thế trong những nhiệm kỳ tới. Song khó khăn lớn nhất của việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ HTXDVNN tại địa phương chính là thu nhập không đủ hấp dẫn khi mà lương của chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX chỉ bình quân đạt 3 triệu đồng/tháng.
Tìm hiểu tại các HTXDVNN trong tỉnh, đội ngũ cán bộ có tuổi đời khá cao, trung bình ở mức 55 - 60 tuổi, có nơi trên 60 tuổi. Tại huyện Bình Lục, trong tổng số 36 HTXDVNN tuổi đời bình quân các thành viên HĐQT và cán bộ HTX 55 tuổi. Tuổi đời cao dẫn đến năng lực điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các HTXDVNN còn hạn chế. Cụ thể, cả 36/36 HTX đều thực hiện được các dịch vụ thiết yếu bắt buộc (dịch vụ thủy nông, khuyến nông, bảo vệ thực vật), nhưng với những dịch vụ khác thì nơi làm được, nơi không: 21/36 HTX thực hiện được dịch vụ cung ứng vật tư; 20/36 HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu lúa chất lượng và bí đỏ); 9/36 HTX thực hiện dịch vụ thú y; 4/36 HTX có dịch vụ làm đất…
Hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ còn hạn chế, ảnh hưởng đến thù lao cho đội ngũ cán bộ HTXDVNN trên địa bàn huyện. Như, chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX lương bình quân 2 triệu đồng/tháng, nơi cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất 1,2 triệu đồng/tháng; các chức danh phó chủ tịch HĐQT, phó giám đốc HTX, kế toán trưởng, trưởng kiểm soát bình quân 1,8 triệu đồng/tháng, nơi cao nhất 2,8 triệu đồng/tháng, thấp nhất 960 nghìn đồng/tháng.
Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Lục cho biết: Hạn chế về tuổi đời đi đôi với hạn chế về trình độ, sự năng động trong điều hành, mở rộng các dịch vụ nâng cao nguồn thu cho HTX cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương trong huyện vẫn chủ yếu độc canh cây lúa. Tuy nhiên, trẻ hóa đội ngũ cán bộ đang là bài toán khá nan giải với địa phương.
Thực tế, nhiều cán bộ HTXDVNN có tuổi đời cao, đều có thời gian gắn bó khá lâu với HTX, từ 20 năm đến trên 40 năm; trong đó, một bộ phận đi lên từ đội ngũ cán bộ thôn được bầu thông qua đại hội HTX, nên đã có quá trình hoạt động xã hội dài. Một số nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn trong trẻ hóa đội ngũ cán bộ HTXDVNN là thù lao được trả tại các HTXDVNN hiện nay quá thấp và do đại hội xã viên quyết định. Nếu so sánh mức lương của HTX cao nhất chưa bằng lương công nhân đi làm cho các doanh nghiệp (bình quân đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, với lao động trẻ đang là trụ cột kinh tế gia đình thì chắc chắn sẽ khó lựa chọn HTXDVNN để làm việc. Một vấn đề nữa là, tham gia hoạt động HTXDVNN ít có tương lai phát triển.
Theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mặc dù các HTXDVNN đã được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, không có được sự bứt phá trong quá trình hoạt động, nguồn thu vẫn thấp chủ yếu chi dựa vào phần cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước và một vài dịch vụ thu theo đầu sào. Mức thù lao thấp, điều kiện làm việc chưa bảo đảm, dẫn đến khó thu hút cán bộ trẻ vào làm việc.
Mặc dù vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có một số HTXDVNN trẻ hóa được đội ngũ cán bộ và phát huy tốt được hiệu quả hoạt động. Như tại HTXDVNN Nguyễn Úy (Kim Bảng), tuổi trung bình của các thành viên HĐQT HTX hiện nay chưa đến 45 tuổi và đã tham gia được hơn 1 nhiệm kỳ. Nhờ có sự năng động, dám nghĩ, dám làm của HĐQT HTX nên sản xuất trên đồng ruộng có sự phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Úy đang trở thành vùng liên kết sản xuất điển hình cả về cây lúa và cây hàng hóa giá trị cao.
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXDVNN Nguyễn Úy, để phát triển sản xuất hiệu quả rất cần sự nhanh nhạy, quyết đoán, trực tiếp tham gia vào công việc của đội ngũ cán bộ HTX. Vào mùa vụ thu hoạch, cán bộ HTX tập trung ra tận ruộng điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp thu mua sản phẩm… Nếu không có sức trẻ rất khó thực hiện được nhiệm vụ.
Từ thực tế trên, để trẻ hóa đội ngũ cán bộ HTXDVNN rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng. Quan trọng nhất là cần tạo điều kiện để HTXDVNN thực sự là đơn vị kinh tế phát triển. Từ đó, mới tạo sức hút đối với lao động trẻ, có trình độ tham gia hoạt động của HTXDVNN.
Mạnh Hùng