Bài 2: Nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích canh tác
Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn do giá cả vật tư tăng cao, nhân lực ngành nông nghiệp thiếu dẫn đến một bộ phận người dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Đây là vấn đề đặt ra với các cấp, ngành chức năng trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, giúp nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích canh tác. Qua đó, bảo đảm tài nguyên đất đai được sử dụng, khai thác tốt, khắc phục tình trạng bỏ ruộng.
Cần sự sát sao của chính quyền
Tại xã Thi Sơn (Kim Bảng), trong vụ mùa 2022, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, tình trạng bỏ ruộng có lẽ cũng đã xảy ra. Cụ thể, vào thời điểm chuẩn bị gieo cấy tại thôn 5 có tình trạng một số hộ dân ra ngăn cản không cho máy cày xuống ruộng làm đất, với diện tích khoảng 7 ha. Trước tình trạng đó, HTXDVNN Thi Sơn đã kiểm tra, tìm hiểu kỹ nguyên nhân người dân không muốn gieo cấy. Đồng thời, tham mưu với Đảng ủy, UBND xã họp với cấp ủy chi bộ thôn chỉ đạo bà con khắc phục ngay tình trạng bỏ ruộng không cấy.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã Thi Sơn đã đưa ra các biện pháp quyết liệt đối với người dân bỏ ruộng không cấy, như: Không đưa vào danh sách bình chọn hộ nghèo, xử lý hành chính đối với những người cố tình ngăn cản máy cày xuống làm đất… Từ chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, Chi bộ thôn 5 đã họp bàn và ra nghị quyết chỉ đạo tập trung vào việc không để người dân bỏ ruộng không cấy. Đồng thời, chi bộ giao cho các tổ chức đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động đến các hộ dân. Từ những biện pháp chỉ đạo kịp thời trên, kết thúc vụ mùa 2022, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã đều bảo đảm được gieo cấy đúng lịch, kịp thời vụ, đúng cơ cấu. Theo ông Đỗ Văn Ngọc, Giám đốc HTXDVNN Thi Sơn, đây là vụ đầu tiên trên địa bàn xảy ra việc người dân có tư tưởng bỏ ruộng không cấy. Việc triển khai kiên quyết và đồng bộ các giải pháp, quan trọng nhất với vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giải quyết tốt được tình trạng này.
Kim Bảng là một trong những địa phương trong tỉnh cơ bản không có tình trạng người dân bỏ ruộng. Ngay từ khi bước vào vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTXDVNN kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình gieo cấy của người dân. Từ đó, đôn đốc công tác làm đất, bảo đảm tiến độ gieo cấy kịp thời vụ. Với những hộ không còn nhu cầu sản xuất, thiếu lao động có thể cho thuê, mượn ruộng… Đây cũng là địa phương luôn duy trì thực hiện tốt cơ cấu mùa vụ của các vụ lúa, tạo sự gắn kết 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông). Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Kim Bảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sản xuất ở các vụ trong năm. Do vậy, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn kịp thời nguy cơ bỏ ruộng.
Trước tình trạng nông dân bỏ ruộng không gieo cấy, chính quyền các địa phương, cơ sở cũng đã tích cực vào cuộc, tìm các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tại Thanh Liêm, lãnh đạo huyện và ngành chức năng cũng đã chủ động các biện pháp chỉ đạo. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay đầu tháng 7, khi thời điểm gieo cấy vụ mùa 2022 sắp kết thúc, chúng tôi đã đi kiểm tra, yêu cầu các HTX báo cáo sơ bộ những diện tích chưa được làm đất có nguy cơ bỏ ruộng của từng địa phương. Từ đó, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo huyện mời bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã và giám đốc HTXDVNN các địa phương còn nhiều diện tích ruộng chưa được làm đất, báo cáo tình hình, thực trạng và giao nhiệm vụ cho các địa phương phải gieo cấy hết diện tích. Do vậy, sản xuất vụ mùa tại các xã, thị trấn trên địa bàn được đẩy mạnh. Về phía các HTXDVNN chỉ đạo tổ dịch vụ thủy nông phục vụ nước tưới và tổ chức làm đất nhanh, đáp ứng yêu cầu thời vụ. Đơn cử, tại thị trấn Tân Thanh vào thời điểm đầu tháng 7 có đến trên 3 ha đất chưa được làm. Tuy nhiên, sau cuộc làm việc của lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm với Đảng ủy, UBND và các HTXDVNN trên địa bàn, tình trạng trên đã cơ bản được giải quyết. Theo Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thanh Liêm Trần Quyết Thắng, quan trọng nhất là nắm bắt được sớm tình trạng bỏ ruộng để các cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc chỉ đạo. Khi mới manh nha có vấn đề, nếu không sớm ngăn ngừa sẽ là vết dầu loang ra các thôn, xã khác, khi đó rất khó chỉ đạo, giải quyết.
Quan tâm nâng cao hiệu quả
sản xuất
Việc chính quyền vào cuộc chỉ đạo tuyên truyền, vận động và có cả chế tài xử lý người dân bỏ ruộng không cấy hàng vụ đã thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế, nhiều năm nay ở một số địa phương vẫn có tình trạng người dân bỏ ruộng, nhất là trong vụ mùa. Để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có những giải pháp căn cơ mà quan trọng nhất là cần nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng.
Tại HTX Tiêu Hạ, xã Tiêu Động (Bình Lục) mấy năm trở lại đây hình thành vùng tập trung ruộng đất rộng 20 ha. Đó là khu ruộng của anh Hoàng Văn Thường, mượn lại của người dân địa phương không có nhu cầu sản xuất. Trên diện tích này, anh Thường bố trí gieo cấy cùng giống, cùng trà. Cuối vụ, anh liên hệ bán toàn bộ lượng thóc thu hoạch được cho doanh nghiệp theo hình thức nhập tươi ngay tại bờ ruộng. Cách làm này giúp anh Thường phát huy tốt được tiềm năng đất đai. Được biết, diện tích này trước đây của nhiều hộ dân HTX Tiêu Hạ, nằm trong có cốt đất cao, thấp không đều, lại xa khu dân cư. Do vậy, hiệu quả sản xuất không cao khiến một số hộ bỏ không cấy, những hộ khác tuy sản xuất nhưng cũng không mặn mà vì không đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, với anh Thường, khi diện tích này được tập trung giao cho mình sản xuất, anh dễ dàng đưa máy móc vào sản xuất, cải tạo lại bờ vùng, bờ thửa, san phẳng lại mặt ruộng… nhờ đó giảm được chi phí nhân công, tưới tiêu cũng thuận lợi hơn, nhờ thế khu ruộng đã mang lại hiệu quả cao hơn. “Tôi chỉ cần mỗi sào ruộng một vụ cho thu lãi 300 nghìn đồng, cộng lại trên diện tích 20 ha là cũng có được nguồn thu đáng kể” - anh Thường nói.
Thực tế, những diện tích đất người dân bỏ không cấy phần lớn nằm trong vùng quá trũng, khó khăn về tưới, tiêu. Do vậy, các địa phương cần có biện pháp cải tạo lại đồng ruộng, bảo đảm công tác tưới, tiêu. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong việc đưa máy móc, cơ giới vào đồng ruộng, giảm chi phí, khắc phục tình trạng lúa cỏ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó, người dân sẽ thiết tha, gắn bó hơn với đồng ruộng.
Tại một số địa phương đối với những vùng đất cốt cao, khó khăn nước tưới đầu vụ cũng đã và đang cho chuyển đổi sang trồng những loại cây hàng hóa giá trị cao. Như tại xã Kim Bình (TP Phủ Lý) từ nhiều năm nay luôn duy trì diện tích đất lúa cốt cao (khoảng từ 3 - 7 ha) cho chuyển đổi sang trồng dưa chuột. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTXDVNN Kim Bình, việc chuyển đổi sang trồng cây màu hàng hóa giúp giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải khi cấy lúa. Đặc biệt, nguồn thu nhập cao từ cây trồng hàng hóa sẽ là nền tảng kích thích các hộ dân gắn bó với ruộng đồng. Chính nhờ vậy, ở Kim Bình từ nhiều năm qua, cơ bản không có tình trạng hộ nông dân bỏ ruộng không cấy.
Một vấn đề nữa, đó là giải quyết tốt chi phí đầu vào và hiệu quả sản xuất, giúp nâng cao lợi nhuận trên đồng ruộng. Thực tế, để sản xuất 1 sào lúa, người dân phải chi phí rất cao, lên đến trên 800 nghìn đồng. Với năng suất hiện nay, sau 4 tháng sản xuất chỉ thu được lợi nhuận ước khoảng 400 – 600 nghìn đồng/sào. Nếu cấy 1 mẫu ruộng chỉ thu được khoảng 6 triệu đồng (trừ mọi chi phí), tương đương với lương công nhân 1 tháng đi làm cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giá vật tư phân bón hiện nay tăng rất cao, gấp hai lần so với trước. Trong khi đó, giá thóc thương phẩm những năm gần đây không tăng, năng suất lúa cơ bản đã “kịch trần”. Do vậy, rất cần các cấp, ngành chức năng có giải pháp hiệu quả, đồng bộ giúp nông dân yên tâm, gắn bó với ruộng đồng. Đây cũng là nền tảng bảo đảm an sinh xã hội tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh hiện nay.
Phạm Hiền - Mạnh Hùng