Những năm gần đây, phương pháp gieo thẳng được áp dụng rộng rãi ở hai vụ lúa của nhiều địa phương trong tỉnh. Có vụ, diện tích lúa gieo thẳng của tỉnh chiếm trên 60% diện tích, có nơi lên đến trên 90% diện tích. Tuy nhiên, lúa gieo thẳng đang cho thấy những hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Trên cánh đồng của thôn Hạ Trang, xã Liêm Phong (Thanh Liêm) vợ chồng chị Vũ Thị Thơm đang phải sử dụng mạ dược để cấy lại một phần tại thửa ruộng có diện tích 8 sào trước đó được gieo thẳng bị ốc bươu vàng gây hại. Lượng mạ sử dụng cấy lại lên đến 80 bó, tương đương với 400 nghìn đồng. Nếu tính cả lượng giống lúa gieo thẳng giá trị đầu tư thiệt hại lên đến 500 nghìn đồng, chưa bao gồm 2 công cấy.
Được biết, ngoài ruộng của gia đình, chị Thơm còn mượn gần 2 ha ruộng của người dân trong thôn không còn nhu cầu sản xuất và đều được áp dụng phương pháp gieo thẳng. Cùng với sử dụng biện pháp thủ công bắt ốc bươu vàng trong quá trình làm ruộng, chị Thơm còn phải chi hơn 3 triệu đồng mua thuốc phun trừ diệt ốc. Tuy nhiên, các thửa ruộng đều có tình trạng lúa mới gieo bị ốc bươu vàng gây hại và phải cấy dặm lại.
Chị Thơm chia sẻ: Lúa gieo thẳng gặp rủi ro rất nhiều, nhất là giai đoạn mới gieo. Như vụ này, gia đình bị thiệt hại khá nặng do ốc bươu vàng cắn. Dù vậy, do diện tích cấy nhiều nên vẫn phải áp dụng gieo thẳng để kịp thời vụ, nếu thuê cấy sẽ không đủ tiền đầu tư.
Hàng vụ xã Liêm Phong có hơn 300ha ruộng gieo cấy. Những vụ trước người dân trong xã đã gieo thẳng trên 90% diện tích lúa, phần lớn đều được vãi bằng tay. Sử dụng phương pháp này lúc gieo người dân không cần nhiều lao động, bảo đảm kịp thời vụ. Tuy nhiên, tại những cánh đồng trũng gieo thẳng đầu vụ khá vất vả trong việc diệt trừ ốc bươu vàng, trực tiêu nước khi có mưa, nhất là trong vụ mùa.
Đặc biệt, mấy vụ gần đây, lúa cỏ phát triển khá mạnh trên diện tích lúa gieo thẳng ảnh hưởng đến năng suất. Trước thực trạng này, UBND xã Liêm Phong đã chỉ đạo HTXDVNN triển khai và tuyên truyền để người dân quay trở lại phương pháp cấy lúa bằng tay và bằng máy để khắc phục những hạn chế của lúa gieo thẳng.
Theo ông Nguyễn Văn Lung, Giám đốc HTXDVNN Liêm Phong, người dân trong xã đã nhận thấy những hạn chế của lúa gieo thẳng và từng bước áp dụng lúa cấy. Như vụ mùa năm nay toàn xã có 175 ha lúa cấy, chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo cấy. Riêng lúa cấy bằng máy đã đạt 95 ha, tập trung gọn vùng, nhất là những nơi vụ trước có lúa cỏ phát triển nhiều.
Không riêng Liêm Phong, các địa phương của tỉnh đều đang triển khai cấy lúa để xử lý những hạn chế của lúa gieo thẳng. Tại huyện Thanh Liêm, nơi lúa gieo thẳng nhiều vụ nay chiếm trên 95% diện tích, đang đẩy mạnh cấy lúa bằng máy và cấy thủ công. Vụ mùa này, lúa cấy của Thanh Liêm đạt khoảng trên 1.500 ha, chiếm hơn 25% diện tích. Hay ở huyện Lý Nhân giảm diện tích lúa gieo thẳng từ 70% cách đây hơn 1 năm còn khoảng hơn 40%...
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Lý Nhân cho biết: Nhiều địa phương đang chuyển dần sang cấy lúa thay cho gieo thẳng, nhất là ở những vùng bị lúa cỏ gây hại nặng. Phòng NN & PTNT tham mưu với UBND huyện chỉ đạo không mở rộng diện tích lúa gieo thẳng vượt quá kế hoạch và tích cực đưa máy cấy vào đồng ruộng.
Qua tìm hiểu được biết, sau thời gian thực hiện, lúa gieo thẳng bộc lộ khá nhiều hạn chế. Cụ thể, cây lúa gieo thẳng khá “nhạy cảm” ở giai đoạn mới gieo, dễ bị chuột, ốc bươu vàng gây hại. Trong vụ mùa, diện tích lúa mới gieo thẳng chỉ cần mưa 10 mm mà không rút nước kịp là bị ngập úng. Ngay vụ mùa này, có nhiều diện tích lúa gieo thẳng của tỉnh bị hỏng phải gieo cấy lại do mưa úng.
Với phương pháp gieo thẳng bằng hình thức vãi tay hiện nay của người dân dẫn đến lúa lên dày, tốn nhiều giống, ảnh hưởng khả năng hấp thụ ánh sáng, nhiễm sâu, bệnh nặng hơn lúa cấy. Tại nhiều địa phương, người dân bỏ khá nhiều công sức dặm tỉa. Đặc biệt, trên diện tích lúa gieo thẳng hiện nay sau khi gieo phải rút kiệt nước thuận lợi cho lúa cỏ phát sinh gây hại.
Thực tế đã có những diện tích phải cắt bỏ, mất mùa cục bộ. Một vấn đề nữa là tại các địa phương người dân đã đầu tư công cụ sạ hàng, ước cả tỉnh khoảng 3.000 chiếc, nhưng rất ít được sử dụng. Trong khi đây là biện pháp kỹ thuật giúp bảo đảm mật độ cây lúa để không phải dặm tỉa, lúa quang hợp tốt, hạn chế sâu, bệnh và nhất là dễ phát hiện, diệt trừ lúa cỏ…
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) đánh giá: Người dân đang làm sai khá nhiều quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn khi áp dụng lúa gieo thẳng, nhất là bỏ công cụ sạ hàng. Nếu làm đúng, người dân phải bỏ công làm đất kỹ hơn, ủ thóc giống đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm độ dài phù hợp của mộng lọt các lỗ ra hạt của công cụ sạ hàng…
Thực tế, phương pháp gieo thẳng vẫn có những mặt tích cực, hiệu quả khi được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Đây là biện pháp giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ khu vực nông thôn hiện nay và trong điều kiện việc cấy lúa bằng máy mới chỉ đáp ứng chưa đến 10% diện tích. Vì thế, cùng với các hình thức gieo cấy tiên tiến khác, lúa gieo thẳng nên được người dân thực hiện đúng kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả sản xuất 2 vụ lúa.
Mạnh Hùng