"Hậu" dịch tả lợn Châu Phi: Cần cơ cấu lại đàn vật nuôi

Trong nhiều năm liền, lợn là vật nuôi chủ lực đóng góp chủ yếu về giá trị sản xuất cho ngành chăn nuôi ở Hà Nam. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, chăn nuôi lợn phải đối mặt với nhiều bất ổn do dịch bệnh và giá cả bấp bênh. Vì vậy yêu cầu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế rủi ro đã trở nên cấp bách.

Người dân chọn mua gia cầm giống tại xã Hoàng Đông (Duy Tiên).

Ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi từ cuối tháng 2, đến trung tuần tháng 12/2019, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có gần 132.000 con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy, chiếm gần 30% tổng đàn. Tâm lý lo lắng, cộng thêm dịch bệnh chưa được khống chế nên phần lớn số hộ phải tiêu hủy lợn bệnh đều chưa thực hiện tái đàn trở lại. 

Theo số liệu từ các địa phương, toàn tỉnh có 9.500 hộ chăn nuôi lợn để trống chuồng. Chính vì vậy, tính đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 370.000 con, giảm 17,7% so với năm 2018, đạt 74% so với kế hoạch năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 63.744,7 tấn, bằng 97% kế hoạch năm.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng thời nhiều giải pháp khống chế dịch bệnh. Đồng thời tăng cường các giải pháp ổn định tình hình chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bảo đảm kế hoạch về tổng đàn, lượng thịt hơi xuất chuồng bằng việc chuyển đổi cơ cấu con vật nuôi để bù đắp một phần thiếu hụt về sản lượng và giá trị do lợn bị thiệt hại vì dịch tả châu Phi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc thực hiện tái đàn lợn tại các xã đã công bố hết dịch và các trang trại đã qua 30 ngày không phát sinh dịch được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp mở rộng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, đại gia súc ăn cỏ, thủy sản, theo hướng tăng quy mô đàn và phát triển những vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm có tiềm năng lợi thế phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng đầu tư, thị trường tiêu thụ; khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Chủ trương mở rộng các đối tượng con nuôi đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, các đối tượng vật nuôi khác đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6,78 triệu con, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu tăng 2,5% về tổng đàn và 3,5% về sản lượng thịt xuất chuồng. Tổng đàn bò hướng thịt có trên 27.990 con, tăng 3,8% tổng đàn và 11,1% về sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2018. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao”.

Chủ trương cơ cấu lại đối tượng vật nuôi đã được thực hiện. Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả, phát triển chăn nuôi thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng còn không ít khó khăn. Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT về thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhiệm kỳ 2016-2020 diễn ra mới đây, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Chuyển đổi đối tượng vật nuôi là yêu cầu cấp thiết. Chăn nuôi lợn sạch tạo vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp cũng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, phải tính đến lợi ích cho cả 2 bên (doanh nghiệp và nông dân), đồng thời phải quan tâm nhiều hơn đến phát triển chăn nuôi gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với phát triển chăn nuôi bò sữa, ngành nông nghiệp đánh giá lại khả năng phát triển. Nếu tỉnh ta không có lợi thế về tăng quy mô tổng đàn thì phải có phương án khác.

Chia sẻ về khả năng phát triển đàn bò sữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hà Nam không có lợi thế về vùng nguyên liệu cho chăn nuôi bò sữa ở quy mô lớn. Chăn nuôi bò sữa đòi hỏi người chăn nuôi phải có trình độ kỹ thuật tốt mới thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quan điểm của ngành nông nghiệp nên điều chỉnh lại quy hoạch chăn nuôi bò sữa. Hà Nam chỉ nên duy trì tổng đàn bò sữa trong khoảng từ 4.000-6.000 con, chăn nuôi ở những xã có lợi thế trồng cỏ. Chăn nuôi phải tính đến giải pháp không gây ô nhiễm môi trường, hướng phát triển chăn nuôi tập trung. 

Tuy vậy, hiện nay, việc phê duyệt quy hoạch về chăn nuôi bò thịt rất chậm, mới chỉ có 6/20 khu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chăn nuôi lợn sạch tạo vùng nguyên liệu cho Masan cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là không có đủ vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, giá thu mua doanh nghiệp đưa ra thấp hơn nhiều so với thị trường. Điều này khó thuyết phục được người chăn nuôi gắn bó hợp tác.

Duy trì phát triển chăn nuôi bền vững là mục tiêu mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng tới. Trong điều kiện hiện nay, làm thế nào để phát triển chăn nuôi bền vững là bài toán khó, không dễ thực hiện vì điều kiện để phát triển chăn nuôi ổn định còn nhiều khó khăn, chưa nói đến yếu tố bảo đảm cho phát triển chăn nuôi bền vững. 

Để đạt được các mục tiêu năm 2020, ngành nông nghiệp đưa ra một số giải pháp. Trong đó, hướng trọng tâm vào làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chuyển dần từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại số lượng lớn, gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nuôi thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao tại các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng ruộng trũng và xây dựng các mô hình nuôi cá “sông trong ao”.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy