kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Giữ an toàn cho lồng bè nuôi cá trên sông Hồng trong mùa mưa, bão, lũ

Giữ an toàn cho lồng bè nuôi cá trên sông Hồng trong mùa mưa, bão, lũ

Mùa mưa, bão, lũ năm nay được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, chủ động bảo vệ hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng giúp hạn chế tối đa thiệt hại và thúc đẩy nghề sản xuất đặc thù này phát triển, góp phần vào tăng trưởng thủy sản nói riêng và cả ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung.

Anh Nguyễn Trường Hợp, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) có 10 lồng nuôi cá lăng, chép lai trên sông Hồng với lượng cá khá lớn, mỗi lồng khoảng 5 tấn. Chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ, anh Hợp đã đầu tư mua thêm cáp, đổ cọc bê tông cắm sâu vào bờ bãi để gia cố cho lồng bè chắc chắn hơn. Ngoài ra, anh còn bỏ mỏ neo mé lồng phía lòng sông để tránh trôi, gia cố thêm khung lưới B40 trước đầu khu lồng bè về phía thượng lưu ngăn gỗ lao thẳng vào lồng bè theo nước lũ trôi về. Được biết, năm 2018 trong đợt lũ lớn trên sông Hồng, 12 lồng bè của anh Hợp bị mảng bè gỗ lớn trôi về phá hỏng toàn bộ. Lồng bè trôi ra sông anh phải thuê tàu dìu về phía  bờ bên Thái Bình cách nhà hơn 10 km chờ nước lũ rút mới đưa về khắc phục. Tổng thiệt hại do lũ năm 2018 lên đến hơn 1 tỷ đồng. Anh Hợp chia sẻ: Thất bại nặng nề của 2 năm trước là bài học lớn trong việc sản xuất trên sông nước với nhiều ẩn họa khó lường. Hiện nay, lồng bè nuôi cá đã được khôi phục lại, tôi cố gắng đầu tư bảo vệ an toàn mức cao nhất có thể trong mùa mưa, bão, lũ, tránh rủi ro như đã từng xảy ra.

Giữ an toàn cho lồng bè nuôi cá trên sông Hồng trong mùa mưa bão lũ
Khu lồng bè nuôi cá của anh Trần Trọng Sản, xã Phú Phúc (Lý Nhân) được neo giữ chắc chắn.

Việc bảo đảm an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng đang được các hộ chăn nuôi tích cực chuẩn bị. Anh Trần Trọng Sản, xã Phú Phúc (Lý Nhân) có 40 lồng nuôi cá với chiều dài cả khu lên đến 150 m. Lượng cá nuôi trong lồng rất lớn, bình quân có 5 tấn cá/lồng. Trong đó, cá lăng chiếm 70%, còn lại là chép lai, rô phi đơn tính có trọng lượng 3 – 4 kg/con, chạch chấu, cá ngạnh. Để bảo đảm chắc chắn cho lồng bè, anh Sản đầu tư giằng cố định bằng sắt nối lồng bè với bờ ở cả 2 đầu và giữa khu lồng, sử dụng hàng chục dây chão chuyên dụng của tàu biển để gia cố, níu giữ tại nhiều điểm. Phía ngoài lòng sông, anh bỏ 7 mỏ neo, có cả loại nặng 500 cân chuyên dụng của tàu lớn để giữ tránh trôi lồng… Đầu lồng phía thượng lưu anh Sản làm hình mũi tên bịt tôn dày tránh vật trôi có thể đâm thẳng vào lồng. Do vậy, khu lồng bè có độ chắc chắn rất lớn, chịu được mức độ nước chảy siết. Anh Sản cho biết: Sản xuất nơi “đầu sóng, ngọn gió” nên việc bảo đảm an toàn là ưu tiên số một. Mỗi năm tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để thay thế và bổ sung thêm thiết bị, bảo đảm gia cố chắc chắn cho lồng bè.

Hiện nay, dọc tuyến sông Hồng của tỉnh có gần 600 lồng nuôi cá. Sản lượng cá lồng mỗi năm đạt từ 2.000 – 3.000 tấn, chiếm 10 – 12% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh. Vì thế, việc bảo vệ an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá luôn được quan tâm. Được biết, trong công tác quản lý, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các hộ nuôi đăng ký. Từ đó, có cơ sở hướng dẫn đặt vị trí lồng bè nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản. Đây là những điểm ít bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm. Đơn cử, phải chọn nơi có dòng nước chảy thẳng, lưu tốc 0,2-0,5 mét/giây (m/s) mới được đặt lồng bè. Hay đáy lồng bè phải cách đáy sông ít nhất 0,5 m vào lúc mức nước thấp nhất. Trường hợp đặt lồng bè thành từng cụm: các cụm lồng bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m... Đặc biệt, trước mùa mưa, bão, lũ, cơ quan chuyên môn đều tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người dân việc phòng chống, bảo vệ lồng bè nuôi cá. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Việc bảo vệ hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng trong mùa mưa, bão, lũ luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Điều này giúp hạn chế rủi ro khi gặp lũ to, gió lớn gây hư hỏng, trôi lồng, thiệt hại về thủy sản như đã từng xảy ra ở nhiều hộ trước đây.

Mùa mưa, bão, lũ năm nay được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, chủ động bảo vệ hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng giúp hạn chế tối đa thiệt hại và thúc đẩy nghề sản xuất đặc thù này phát triển, góp phần vào tăng trưởng thủy sản nói riêng và cả ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy