Sáng ngày 31/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN & PTNT) phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh Hà Nam tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững”.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự diễn đàn. Cùng tham dự diễn đàn có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN & PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang; Hiệp hội chăn nuôi, các doanh nghiệp; các tổ chức Quốc tế: FAO, JICA Nhật Bản, HIS; đại diện các hộ chăn nuôi tiêu biểu…
Theo báo cáo đề dẫn của diễn đàn, những năm qua, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của đất nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, tổng đàn lợn của cả nước là 30,3 triệu con, 8,6 triệu con trâu, bò, 558,6 triệu con gia cầm. Ngành chăn nuôi đã tạo ra một lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu (năm 2023, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của Việt Nam đạt trên 515 triệu đô la Mỹ).
Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm các mối đe dọa từ các bệnh động vật xuyên biên giới, các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh mới nổi, tình trạng kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Nếu không kiểm soát được các rủi ro liên quan đến sức khỏe của động vật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả con người và môi trường sống.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá, thảo luận, trao đổi về thực trạng trong việc áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, nêu lên những giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi an toàn bền vững; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững… Ban cố vấn của diễn đàn cũng trả lời, giải đáp câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu trong quá trình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Thông qua diễn đàn giúp các địa phương, nông dân, chủ trang trại nắm bắt các chủ trương chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giảm chi phí đầu vào, đảm bảo môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trước đó, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tham quan nhà máy giết mổ lợn Công ty cổ phần Masan (Khu công nghiệp Đồng Văn IV, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng).
Mạnh Hùng