Chuyện những người làm nông sản sạch

Dám nghĩ, dám làm, tâm huyết và quyết tâm - đó là cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện với những người đang triển khai thực hiện mô hình "Sản xuất nông sản an toàn" nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người dân.

Nông sản sạch vào siêu thị Vinmart

Giữa năm 2017, hộ anh Trần Ngọc Hiếu, xóm 9, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) trở thành một trong số ít hộ đầu tiên của tỉnh có sản phẩm cây ăn quả được đưa vào hệ thống Siêu thị Vinmart qua Công ty VinEco, Tập đoàn Vingoup. Nhờ đó, vườn ổi rộng hơn một mẫu của gia đình anh Hiếu không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến vụ, anh Hiếu thu hoạch, sơ chế, đóng gói rồi vận chuyển ổi cho Siêu thị Vinmart theo hợp đồng đã ký.

Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Hiếu đã cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart hơn 20 tấn ổi. Điều đáng ghi nhận, nhờ thực hiện đúng yêu cầu về số lượng và chất lượng, gia đình anh Hiếu đã được hệ thống Siêu thị Vinmart khen thưởng.

Nói về thành công bước đầu trong quá trình liên kết với hệ thống siêu thị lớn, anh Hiếu chia sẻ: Để có sản phẩm bày bán trong hệ thống siêu thị uy tín như Vinmart, chất lượng sản phẩm phải bảo đảm những tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Tuy nhiên, muốn duy trì làm ăn lâu dài, ổn định, người sản xuất phải nỗ lực cố gắng, tuân thủ đúng các yêu cầu theo hợp đồng đã ký.

Để giữ chữ 'tín" trong liên kết làm ăn, quá trình sản xuất, anh Hiếu thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật. Cụ thể, khâu chăm bón, anh chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt "nói không" với phân đạm - loại phân được người dân ưa dùng để bón cho cây ăn quả và các loại rau, củ, quả khác. Ngoài chăm sóc, bảo vệ, anh Hiếu còn thực hiện ghi nhật ký đồng ruộng đầy đủ, chính xác (từ chăm sóc, bón phân đến quá trình thu hái …). Theo anh Trần Ngọc Hiếu, liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống Siêu thị Vinmart không chỉ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, giá bán lại cao hơn giá thị trường tự do từ 40 - 50%. Có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, người lao động yên tâm sản xuất, bảo đảm cung cấp sản phẩm đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng theo đơn hàng của doanh nghiệp.

Được biết, diện tích vườn ổi liên kết tiêu thụ với hệ thống Siêu thị Vinmart chỉ là một phần trong tổng diện tích 2 ha đất vườn được tích tụ của gia đình anh Hiếu nằm ở khu vực đất bãi ven sông Châu. Trên diện tích này, anh Hiếu còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác như: bưởi, cam canh… Thực hiện chương trình liên kết với doanh nghiệp, anh Hiếu đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng sạch, có thể "đứng chân" trong hệ thống Siêu thị Vinmart. Anh Hiếu khẳng định: Cái được lớn nhất của việc liên kết là loại bỏ tư tưởng sản xuất kiểu cũ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng đối tượng cây trồng, sản xuất ra sản phẩm an toàn. Tới đây, anh Hiếu tiếp tục xây dựng hệ thống nhà lưới có diện tích từ 6.000 - 7.000 m2 để sản xuất rau, củ, quả sạch cung cấp cho siêu thị.

Bỏ lương "tiền đô" về sản xuất rau an toàn

Năm 2006, tốt nghiệp Khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Phạm Hoàng Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) xin làm khuyến nông viên cơ sở. Được một thời gian, anh Hiệp chuyển sang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài ở Hà Nội. Gần mười 10 năm làm cho doanh nghiệp, có bằng cấp, có trình độ, thời điểm năm 2014, 2015, anh Hiệp được trả lương khoảng 1.000 USD/tháng. Công việc ổn định, lương cao nhưng anh Hiệp lại quyết định xin nghỉ việc về trồng rau an toàn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiệp nói: Bỏ việc mình không tiếc. Là kỹ sư nông nghiệp, mình yêu đồng đất, tâm huyết với việc trồng rau an toàn để phục vụ người dân. Chọn trồng rau an toàn là lựa chọn khó khăn, vất vả, nhiều rủi ro. Nhưng khó mấy mình cũng khắc phục, cũng quyết tâm làm.

Được xã Thi Sơn tạo điều kiện, từ năm 2016, anh Hiệp nhận 5,2 ha đất nông nghiệp tích tụ nằm bên dòng sông Đáy để trồng cây ăn quả (2ha) và sản xuất rau an toàn (hơn 3 ha). Với thuận lợi, diện tích đất gọn vùng, cách ly với các vùng sản xuất khác, đặc biệt, qua khảo sát, đất nơi đây không bị nhiễm kim loại nặng, nguồn nước tưới bảo đảm..., anh Hiệp bắt tay ngay vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, anh Hiệp chú trọng khâu xử lý đất ban đầu, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện luân canh cây trồng hợp lý nhằm giảm tối đa các vi sinh vật gây hại ...

Cùng với đó, anh Hiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, cơ giới hóa 100% khâu làm đất. Toàn bộ diện tích cây trồng được tưới bằng hệ thống phun sương tự động để cây phát triển toàn diện. Ngoài ra, anh Hiệp còn đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới đơn giản trên diện tích hơn 1.000m2 để sản xuất rau giống và trồng các loại rau ăn lá khác ... Ưu điểm nổi trội của mô hình nhà lưới là hạn chế được tình trạng sâu bệnh; bốn mùa đều có thể trồng được các loại rau...

Mới triển khai sản xuất được hơn một năm nhưng trên diện tích 3,2 ha trồng rau an toàn của anh Hiệp, mùa nào thứ nấy, rau lên xanh tốt. Là người năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Hiệp còn chủ động đưa các giống rau mới vào sản xuất như: bắp cải tím, bắp cải nhăn, bắp cải trái tim... Hiện, các sản phẩm rau an toàn của anh Hiệp có mặt ở hầu hết các cửa hàng rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh Hiệp còn cung cấp rau cho bếp ăn tập thể của Nhà máy xi măng Bút Sơn…

Cửa hàng giới thiệu và bán nông sản sạch tại thành phố Phủ Lý. Ảnh: Yến Nhi

Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, khó khăn của mô hình sản xuất rau an toàn là đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, giá cả hết sức bấp bênh. Để khắc phục khó khăn trên, song song với việc phát triển sản xuất, anh Hiệp luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường nhằm cung cấp đúng, đủ, đa dạng các loại rau người tiêu dùng cần ở từng thời điểm khác nhau. Là rau an toàn nhưng giá bán lại không cao hơn giá rau bình thường bán trên thị trường… vì vậy, rau của gia đình anh Hiệp sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Vừa qua, anh Hiệp đã khai trương cửa hàng bán nông sản an toàn tại khu vực chợ Thi Sơn để đáp ứng nhu cầu: có địa chỉ tin cậy khi mua rau an toàn của người tiêu dùng quanh vùng. Anh Hiệp tâm sự: Sản xuất rau an toàn đòi hỏi người lao động phải giữ được chữ tâm và chữ tín. Không vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh "nóng" về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay thì việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn là việc làm thiết thực, đáp ứng nhu cầu được dùng nông sản sạch của người dân, đồng thời đây cũng là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Phạm Hiền - Mạnh Hùng

Mạnh Hùng, Phạm Hiền, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.