Vụ mùa năm nay, xã Đạo Lý (Lý Nhân) gieo cấy gần 280 ha lúa, trong đó diện tích lúa cấy bằng máy được triển khai ở tất cả các thôn với tổng số 65 ha, tăng hơn 20 ha so với vụ xuân 2022.
Được biết, để thay đổi và tạo sự chuyển biến trong việc áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy, HTX Nông nghiệp Đạo Lý chỉ đạo sát sao và trực tiếp triển khai đến các thôn, đội sản xuất. Hội đồng quản trị HTX tổ chức điều hành khâu dịch vụ cấy lúa bằng máy đến tận đội sản xuất.
Cụ thể, tổ dịch vụ mạ khay, máy cấy của xã có 1 giàn máy gieo mạ, 2 máy cấy động cơ ngồi lái, cùng 5 máy cấy cầm tay Văn Lang có gắn động cơ. HTX Nông nghiệp Đạo Lý đã quy hoạch, khoanh vùng những diện tích áp dụng phương pháp gieo cấy bằng máy giúp thuận lợi cho quá trình hoạt động của tổ dịch vụ mạ khay, máy cấy.
Ngay việc gieo mạ được điều hành với 2 hình thức: Do tổ dịch vụ đảm nhiệm toàn bộ và người dân bỏ tiền mua giá thể, giống, khay, tổ dịch vụ gieo mạ khay xong giao hộ chăm sóc đến khi cấy. Giá cấy lúa bằng máy được thống nhất, nếu tổ dịch vụ đảm nhiệm toàn bộ thì giá là 300 nghìn đồng/sào, riêng công gieo mạ và cấy lúa bằng máy là 130 nghìn đồng/sào.
Ông Vũ Hồng Chi, Đội trưởng sản xuất thôn Sàng, nơi có vụ đầu tiên áp dụng lúa cấy bằng máy chia sẻ: Mặc dù mới là vụ đầu tiên áp dụng cấy lúa bằng máy, nhưng đã có sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ và cách làm của người dân. Trên cơ sở đó hướng tới nhân rộng áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy trong những vụ tiếp theo. Đặc biệt, thôn lại có nghề phụ và thương mại – dịch vụ khá phát triển thiếu lao động thời vụ nên đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất là rất phù hợp.
Không chỉ cây lúa, Đạo Lý đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trở thành vùng sản xuất cây hàng hóa tập trung. Trong vụ xuân 2022, toàn xã sản xuất hơn 10 ha dưa chuột trên đất mạ mùa, giúp chủ động trong sản xuất vụ tiếp theo và nâng cao giá trị sản xuất. Đặc biệt, cây vụ đông hàng hóa của xã đã được mở rộng lên 110 ha, tập trung chính vào cây bí xanh, bí đỏ, dưa chuột xuất khẩu, chiếm 40% diện tích đất hai lúa. Do vậy, giá trị sản xuất trên diện tích canh tác của xã đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm; những diện tích sản xuất 3 vụ đạt từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý cho biết: Sản xuất nông nghiệp của Đạo Lý đang phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, từng bước đưa cơ giới vào các khâu sản xuất. Hướng đi này giúp nâng cao giá trị, người dân yên tâm và gắn bó hơn với đồng ruộng.
Thực tế, để có được bước chuyển trong sản xuất như hiện nay, xã Đạo Lý xác định nông nghiệp vẫn là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Xã giao cho HTX Nông nghiệp Đạo Lý chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp. HTX chú trọng thực hiện tốt các khâu dịch vụ thiết yếu cho sản xuất từ thủy nông, đến bảo vệ thực vật, khuyến nông… Đồng thời, triển khai dịch vụ thỏa thuận cung ứng tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu cho người dân.
Như việc tiêu thụ dưa chuột xuất khẩu ở các vụ trong năm đều được HTX khoanh vùng diện tích sản xuất tập trung theo từng thôn. Ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo giá sàn và điều chỉnh tăng theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Do vậy, diện tích trồng dưa được duy trì ổn định và có chiều hướng tăng hằng năm. Riêng đối với lúa cấy bằng máy, sau 3 vụ diện tích tăng gấp hơn 4 lần, từ hơn 14 ha vụ xuân 2021 lên 65 ha vụ mùa 2022. Cũng theo ông Trương Đăng Dũng, diện tích lúa cấy bằng máy sẽ tiếp tục tăng trong những vụ tiếp theo. HTX đang tính toán mở rộng quy mô của dịch vụ mạ khay, cấy máy để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại xã Đạo Lý có những thay đổi đáng kể, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mở rộng diện tích gieo trồng cây hàng hóa tập trung trên đồng ruộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.
Mạnh Hùng