Bình Lục khai thác hiệu quả vùng đất bãi ven sông Châu

Gần 10 ha đất bãi ven sông Châu thuộc xã Đồng Du (Bình Lục) đã được Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao (HTXNNCNC) Đồng Du thuê lại của người dân với thời hạn 20 năm để đầu tư phát triển sản xuất. Trên diện tích này,      HTXNNCNC Đồng Du dành 2 ha trồng nho trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản, một phần trồng thanh long, bưởi diễn, diện tích còn lại trồng bí đỏ và một số loại rau, củ, quả khác. 

Bình Lục khai thác hiệu quả vùng đất bãi ven sông Châu
Vườn nho trên vùng bãi của HTXNNCNC Đồng Du (Bình Lục).

Hiện nay, sản xuất của HTXNNCNC Đồng Du đã bước sang năm thứ 2, các loại cây lâu năm (nho, thanh long…) đều chuẩn bị cho thu hoạch. Riêng diện tích nho dự kiến đạt sản lượng hơn 10 tấn quả, giá bán bình quân đạt khoảng 100 nghìn đồng/kg. Hiện diện tích trồng bí đỏ đang cho thu hoạch tốt, đạt giá trị sản xuất hơn 2 triệu đồng/sào/vụ.

Được biết, trước đây diện tích đất sản xuất này rất manh mún của hàng trăm hộ dân. Đa phần các hộ chủ yếu trồng ngô cho hiệu quả kinh tế thấp, đạt hơn 1 triệu đồng/sào. Với những thửa quá bé chỉ khoảng 0,2 – 0,3 sào gần như không được tính vào thu nhập.

Nói về mô hình chuyển đổi trên đất bãi, anh Nguyễn Việt Hồng, thành viên HTXNNCNC Đồng Du cho biết: Việc HTX đầu tư sản xuất nhằm tạo sự thay đổi và khai thác hiệu quả, tiềm năng của vùng đất bãi tại địa phương. Thực tế, các cây trồng được lựa chọn sản xuất đều đang thích nghi và hứa hẹn cho giá trị cao. Tới đây HTX tiếp tục vận động thuê phần đất còn lại của người dân trong khu vực để mở rộng sản xuất.

Cũng như Đồng Du, nhiều địa phương của huyện Bình Lục dọc tuyến sông Châu sản xuất trên vùng đất bãi đều có sự thay đổi đáng kể. Tại xã An Ninh đã quy hoạch 30 ha đất bãi xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất 3 vụ trong năm. Trong đó, vụ đông được tập trung trồng cây hàng hóa bí đỏ liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đặc biệt, trên vùng đất bãi của xã An Ninh đã hình thành mô hình chuyển đổi trồng cam tập trung có diện tích 5 ha cho hiệu quả kinh tế cao. 

Với xã Bình Nghĩa có diện tích đất bãi lên đến hơn 40 ha cũng đang được khai thác khá hiệu quả. Toàn bộ diện tích này được người dân trồng các loại rau thực phẩm, rau gia vị và hoa, luân canh các vụ trong năm. Tại vùng bãi của xã Bình Nghĩa đã xây dựng được một mô hình nhà kính công nghệ cao có diện tích 500m2 trồng rau, củ, quả, dưa vân lưới. Đồng thời, trên địa bàn có gần 10 nhà lưới với tổng diện tích ước trên 10.000 m2 trồng hoa và rau, củ, quả. 

Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa cho biết: Sản xuất nông sản hàng hóa trên vùng đất bãi đang là hướng đi chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã, góp phần nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Địa phương đang tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư phát triển sản xuất trên vùng đất bãi giúp nâng cao hiệu quả và thu nhập.

Huyện Bình Lục có tổng số 400ha đất bãi ven sông Châu dọc theo các xã từ Bình Nghĩa đến Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh. Trước đây, phần lớn diện tích này đều chủ yếu trồng ngô, đậu tương hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, có đến hơn 80% diện tích được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau, củ, quả cho giá trị kinh tế cao. Chỉ tính diện tích trồng rau thực phẩm tập trung tại khu vực đất bãi các xã Bình Nghĩa, Hưng Công cho giá trị sản xuất bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/sào/năm (tương đương từ hơn 400 – 550 triệu đồng/ha/năm). Với diện tích cây ăn quả cam, bưởi ở mức hơn 10 triệu đồng/sào/năm trong những năm đầu, tiếp tục tăng lên trong những năm sau. Đặc biệt, diện tích trồng nho nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản lên đến cả tỷ đồng/ha/năm. 

Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục, Phòng NN & PTNT đã tham mưu với UBND huyện có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất trên vùng đất bãi ven sông  Châu. Năm 2020 vừa qua, huyện có cơ chế hỗ trợ cho các hộ đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới trồng rau, củ, quả. Đến nay, phần lớn diện tích đất bãi đều phát huy được hiệu quả trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân.

Phát huy thế mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đất bãi ven sông Châu tại Bình Lục đã và đang góp phần thay đổi diện mạo trong sản xuất nông nghiệp chung của huyện, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng cung cấp ra thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy