Bảo đảm sản xuất vụ đông sớm trong điều kiện thời tiết bất thuận

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay có hơn 5.150 ha cây vụ đông được trồng trên đất 2 lúa, chiếm hơn 63% tổng diện tích. Đợt mưa lớn nửa cuối tháng 7 làm nhiều diện tích lúa mùa bị ngập úng, kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển, nhất là diện tích lúa phải gieo cấy lại. Điều này ảnh hưởng nhất định đến thời vụ gieo trồng của cây vụ đông ưa ấm (chiếm 70% diện tích).

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, cả tỉnh có hơn 5.000 ha lúa bị thiệt hại do ngập úng, trong đó gần 1.700 ha phải gieo cấy lại (thiệt hại trên 70%). Cùng với đó, một số diện tích bị sâu nước ảnh hưởng một phần đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Huyện Kim Bảng địa phương có thời vụ gieo cấy lúa mùa sớm nhất tỉnh, khi gặp mưa lúa đã bén rễ, hồi xanh bước vào giai đoạn đẻ nhánh, nhưng do lượng mưa trên địa bàn lớn gần 500 mm đã làm một số diện tích lúa bị sâu nước và ngập úng. Theo tính toán, những diện tích lúa bị sâu nước chậm sinh trưởng từ 2 – 3 ngày. Những địa phương có diện tích lúa mùa bị ngập úng và thiệt hại lớn, thời vụ sản xuất bị kéo chậm lại khá nhiều, từ 5 – 7 ngày, có nơi hơn 10 ngày.

Nông dân xã Liêm Cần (Thanh Liêm) kiểm tra sinh trưởng của lúa mùa sau khi cấy lại.

Huyện Bình Lục có 1.550 ha lúa bị thiệt hại, phần lớn nằm ở những địa phương có tỷ lệ lúa gieo thẳng nhiều và gieo cấy chậm hơn thời vụ chung. Có những địa phương trong huyện lúa gieo thẳng chiếm 80 - 90% diện tích. Do vậy, với tình trạng ngập úng vừa qua phải phục hồi và gieo cấy lại không còn trà mùa sớm.

Tại huyện Thanh Liêm, có diện tích lúa bị thiệt hại do mưa úng lên đến gần 2.400 ha về cơ bản thời vụ sản xuất vụ mùa đều bị chậm. Qua đánh giá thực tế đồng ruộng, cả huyện chỉ có khoảng 300 – 400 ha lúa, nằm rải rác tại các địa phương trỗ trước 30/8, phần lớn diện tích còn lại trỗ tập trung trong khoảng từ 15 – 25/9. Như vậy, lúa cho thu hoạch sau gần 1 tháng ( khoảng từ 13 – 23/10), không còn thời vụ của vụ đông sớm (chậm nhất gieo trồng từ 5 - 10/10).

Theo bà Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Thanh Liêm, vụ đông tới, huyện xây dựng kế hoạch gieo trồng 450 ha cây màu các loại, phần lớn trên đất 2 lúa. Tuy nhiên, điều kiện lúa mùa bị ảnh hưởng nặng do ngập úng đầu vụ, việc triển khai sản xuất vụ đông với các cây trồng sớm của huyện rất khó khăn. Phòng đang tính toán hướng đến triển khai mở rộng diện tích các cây ưa lạnh, còn thời vụ (khoai tây, các rau đông ăn lá).

Để bảo đảm cho mùa vụ sản xuất vụ mùa sớm giải phóng đất cho gieo trồng cây vụ đông ưa ấm trên đất 2 lúa, ngay sau ngập úng ngành nông nghiệp đã chỉ đạo kỹ thuật chăm sóc cho lúa mùa đến các địa phương. Theo đó, nông dân đã được tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc diện tích lúa mới được cứu úng. Khi thấy cây lúa ra thêm lá non, nhổ thăm thấy đã ra rễ mới màu trắng tiến hành bón bổ sung thêm phân hóa học (1-2 kg phân đạm urea + 2 -3 kg phân kali/sào 360 m2). Kết hợp, nông dân làm cỏ sục bùn vùi phân sâu vào đất, tăng oxy cho lớp đất mặt, giúp rễ lúa sinh trưởng nhanh. Quá trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi, kiểm tra phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh kịp thời không để ảnh hưởng đến phát triển của cây lúa. Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ người dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa đã chín và trồng cây vụ đông theo đúng phương châm “Thu hoạch xong lúa mùa trồng ngay cây vụ đông”.

Với điều kiện ngập úng đầu vụ mùa năm nay, chắc chắn một số vùng quy hoạch trồng vụ đông sẽ bị ảnh hưởng. Các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá, kể cả bố trí lại vùng sản xuất ở những nơi trồng lúa mùa bảo đảm thời vụ, cơ cấu loại cây trồng phù hợp (lựa chọn những cây ưa lạnh còn thời vụ). Như vậy, giúp hoàn thành được kế hoạch gieo trồng cây vụ đông đã đề ra.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT)

Về phía người dân chuẩn bị tốt các điều kiện từ nguồn giống cây trồng đến vật tư phân bón… Với những diện tích quy hoạch trồng cây vụ đông khả năng thu hoạch lúa mùa chậm thực hiện làm bầu cho cây giống chờ ruộng. Cách này giúp kéo dài thời gian trồng mà vẫn bảo đảm sinh trưởng, phát triển của cây. Một số nơi có thể sử dụng biện pháp gieo hạt giống (chủ yếu là đậu tương) trước khi thu hoạch lúa.

Trao đổi về thời vụ  sản xuất vụ mùa tác động đến vụ đông, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Với điều kiện ngập úng đầu vụ mùa năm nay, chắc chắn một số vùng quy hoạch trồng vụ đông sẽ bị ảnh hưởng. Các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá, kể cả bố trí lại vùng sản xuất ở những nơi trồng lúa mùa bảo đảm thời vụ, cơ cấu loại cây trồng phù hợp (lựa chọn những cây ưa lạnh còn thời vụ). Như vậy, giúp hoàn thành được kế hoạch gieo trồng cây vụ đông đã đề ra.

Sản xuất vụ đông vẫn được xác định là vụ chính thứ 3 trong năm với nhiều loại cây trồng có giá trị hàng hóa cao, như: Dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp, rau thực phẩm… Đây là những loại cây đòi khỏi khắt khe về thời vụ gieo trồng, bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Khắc phục hạn chế về thời vụ do tác động từ mưa úng sẽ giúp cho các địa phương hoàn thành được diện tích gieo trồng theo kế hoạch.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy