kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 28/2/2019, đầu tiên tại xã Văn Xá (Kim Bảng). Đã có hơn 132 nghìn con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy ở 9.843 hộ của 111 xã, phường, thị trấn. Sau gần một năm, hiện nay 100% số địa phương có dịch đã được công bố hết dịch. Đây là điều kiện để chăn nuôi lợn của tỉnh phát triển trở lại.

Một đại lý thức ăn chăn nuôi ở Văn Xá (Kim Bảng).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT đánh giá: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, kéo dài và gây thiệt hại lớn nhất cho chăn nuôi từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc tập trung phòng, chống dịch đã đem lại hiệu quả tích cực khi vẫn duy trì được tổng đàn lợn hiện có trên 350 nghìn con. Qua đợt này đã rút ra được nhiều vấn đề trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới.

Thực tế, dịch tả lợn châu Phi mới lần đầu tiên xuất hiện ở cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Chính vì thế, công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, nhất là không có vắc - xin, thuốc chữa trị đặc hiệu. Ngay cơ chế lây truyền của virus cũng là vấn đề đặt ra với cơ quan chuyên môn… Do vậy, việc ngăn ngừa, khống chế dịch lây lan gặp rất nhiều hạn chế. Như xã Chính Lý (Lý Nhân) thời gian đầu tiên phát sinh ổ dịch và đã được công bố hết dịch, tuy nhiên dịch bùng phát trở lại, lây lan rộng ra nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn.

Trong điều kiện chống dịch gặp rất nhiều khó khăn, các cấp, ngành chức năng đã huy động tổng lực các biện pháp, phòng, chống. Cụ thể, ngành nông nghiệp đã kịp thời phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là khoanh vùng dập dịch ngay tại hộ chăn nuôi. Đồng thời hướng dẫn biện pháp phòng, chống, tập trung chính vào vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngăn ngừa virus dịch tả lợn châu Phi lây lan bằng việc sử dụng vôi bột, thuốc sát trùng. Chỉ tính riêng nguồn hóa chất phục vụ khử trùng tiêu độc từ nguồn Trung ương và của tỉnh hỗ trợ cấp cho các địa phương chống dịch lên đến 54.900 lít hóa chất, trong đó đã sử dụng 49.362 lít. Cùng với đó, các địa phương và người chăn nuôi thực hiện hướng dẫn mua và sử dụng hơn 2,543 triệu kg vôi bột phục vụ công tác khử trùng tiêu độc gần 38,660 triệu m2 chuồng trại, môi trường trong vùng dịch,  hạn chế đáng kể mầm bệnh lây lan.

Để kịp thời dập dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, cả hệ thống chính trị đã cùng tham gia vào cuộc. Đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn có dịch, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cùng trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống và dập dịch.  Phần lớn các địa phương đều huy động lực lượng công chức, công an, quân sự, đoàn thanh niên… tham gia xử lý tiêu hủy lợn bệnh. 

Như tại xã Phú Phúc nơi có số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lớn lên đến hơn 4.000 con, giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát đã huy động toàn bộ cán bộ, công chức xã, lực lượng công an, quân sự cùng tham gia. Trong đó, lực lượng tiêu hủy được chia thành 2 tổ do lãnh đạo UBND xã trực tiếp làm tổ trưởng cùng tham gia bắt, tiêu hủy lợn bệnh. 

Theo ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc, khi triển khai đồng bộ các biện pháp và có sự trực tiếp tham gia của cán bộ chính quyền, việc dập dịch được kịp thời và hiệu quả hơn.

Một vấn đề quan trọng được rút ra trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi chính là sự chủ động từ phía người dân. Trong đó, các hộ chăn nuôi đều nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, tại những hộ chăn nuôi quy mô lớn và khu chăn nuôi tập trung được áp dụng các biện pháp phòng và cách ly nghiêm ngặt tránh mầm bệnh lây lan. 

Cụ thể, lượng vôi bột lớn được rải dày quanh chuồng trại, lối ra vào khu chăn nuôi; hóa chất sát trùng được phun định kỳ 2 – 3 ngày/lần trong thời gian có dịch; người trực tiếp chăn nuôi hạn chế tối đa tiếp xúc với nguồn bệnh bên ngoài, nghiêm túc thực hiện khử trùng tiêu độc đầy đủ trước khi ra, vào chuồng… Các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn cũng thực hiện hiệu quả biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch từng khu chuồng theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Điều này giúp cho dịch bệnh không lan ra các khu chuồng khác, duy trì chăn nuôi. 

Như trang trại của bác Trần Văn Bão, thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) đã từng bị dịch phải tiêu hủy lợn. Tuy nhiên, sau đó bác Bão khoanh vùng làm tốt công tác phòng dịch ở những khu chuồng còn lại. Do vậy, trang trại của bác vẫn duy trì được 60 con lợn nái, phát triển đàn lợn thịt lên hơn 500 con. 

Theo bác Bão, việc chủ động phòng dịch trong quá trình chăn nuôi rất quan trọng và hiệu quả. Khi đàn lợn bị dịch gia đình đã xử lý triệt để, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, cách ly không để virus có điều kiện lây lan sang những khu chuồng chưa bị dịch.

Tuy nhiên, việc chống dịch vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá rút kinh nghiệm. Đó là, chăn nuôi của người dân phần nhiều vẫn nhỏ lẻ trong hộ gia đình, vệ sinh thú y chưa bảo đảm dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát. Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, các chốt kiểm dịch thời gian đầu khi lập ra hoạt động không thường xuyên, kém hiệu quả. Vẫn còn tình trạng lợn chết bị bỏ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng…

Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Những kinh nghiệm cùng những tồn tại hạn chế được rút ra qua đợt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thời gian qua chính là bài học quan trọng giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới được hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy