Tăng sức cạnh tranh cho hàng thủ công mỹ nghệ

Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được duy trì, phát triển. Đây cũng là một trong những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Điều này cho thấy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã rất nỗ lực thích ứng với thị trường, quan tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Phát huy tiềm năng thích ứng với thị trường

Toàn tỉnh có 45 làng nghề thủ công mỹ nghệ (chiến trên 70% số làng nghề trên địa bàn tỉnh). Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm thủ công từ những vật liệu mộc mạc như tre, nứa, mây, đất, gỗ, sừng… Thông qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nam như lụa, đồ mây tre đan, gốm sứ, sừng mỹ nghệ… đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi sự độc đáo, mới lạ, tinh xảo. Là nhóm ngành hàng được đánh giá là có tiềm năng phát triển bền vững với giá trị xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nam đã có nhiều nỗ lực vượt khó, nhất là trong, sau khi bùng phát dịch Covid -19, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam, Cụm công nghiệp Hoàng Đông (phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên), với xuất phát điểm là tổ hợp sản xuất chuyên sản xuất khay bát đĩa, bàn ghế mây bán cho các công ty thương mại, đến nay công ty đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang 20 nước, tập trung chính là Mỹ, Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho doanh thu 5-7 triệu USD/năm. Có được kết quả này là do Mây tre xuất khẩu Ngọc Động không ngừng nghiên cứu thị trường, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhà bếp, nhà tắm, trang trí nội thất từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như mây giảng xiên, nứa cuốn, bèo, cói, tre ép, gỗ keo và dòng sản phẩm pha trộn từ các nguyên liệu. Bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, Mây tre xuất khẩu Ngọc Động còn chủ động tìm kiếm khách hàng mới và tiếp cận khách hàng đa kênh như sử dụng google xu hướng (https://trends.google.com) để xem những xu hướng tiêu dùng phổ biến; tích cực tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường để nắm bắt thông tin; theo dõi nội dung nổi bật trên các trang   website. Cùng với đó, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua zalo, facebook, tiktok, các sàn thương mại điện tử nổi tiếng trong nước và quốc tế…

Tăng sức cạnh tranh cho hàng thủ công mỹ nghệ
Sản phẩm của làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên) được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại Hà Nam năm 2023. Ảnh: Hân Hân

Ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Ngọc Động cho biết: Xu hướng tiêu dùng liên tục có sự thay đổi, nhất là đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Hiểu rõ điều này, Mây tre xuất khẩu Ngọc Động không ngừng nỗ lực làm mới sản phẩm của mình theo các xu hướng mới. Hiện nay, ngoài nhóm hàng đan lát thủ công truyền thống, công ty còn nghiên cứu, sáng tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp, bán công nghiệp mới như cốc uống nước, lọ hoa, hộp đựng chè, khay chén, lọ đựng cà phê, ốp tường, sàn nhà… Đây là những sản phẩm đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng vì tính an toàn, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.

Cũng như sản phẩm mây tre đan, các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống khác của Hà Nam như gốm sứ, thêu ren, sừng, trống... cũng không ngừng được cải tiến. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, việc đầu tư công nghệ và đổi mới mẫu mã là yếu tố quan trọng giúp làng nghề đứng vững, thích nghi với xu thế thị trường. Có thể kể đến như làng nghề trống Đọi Tam (Duy Tiên) với việc cho ra đời sản phẩm thùng đựng rượu, bồn tắm, bồn ngâm chân bằng gỗ; làng thêu ren An Hòa và Hòa Ngãi (Thanh Liêm) đầu tư sử dụng máy thêu vi tính hiện đại để giảm ngày công lao động, tăng năng suất, sản lượng sản phẩm khi việc thêu tay gặp khó do thu nhập của người lao động không bảo đảm; làng gốm Quyết Thành (Kim Bảng) chế tạo thành công các loại gốm mỹ nghệ tinh xảo trang trí và đồ sinh hoạt trong nhà như ấm trà, chén, đĩa, tượng thờ, linh vật.

Đẩy mạnh Chuyển đổi số tăng sức cạnh tranh

Nhìn nhận từ thực tế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung, tại Hà Nam nói riêng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiều mặt hàng hiện chưa mang lại giá trị sản xuất, xuất khẩu cao như kỳ vọng do tổng cầu thế giới sụt giảm mạnh, trong khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thị hiếu người tiêu dùng liên tục thay đổi. Năng lực sản xuất và tổ chức quản lý của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ chưa đáp ứng kịp thời với những đòi hỏi khắt khe của thị trường thế giới  cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Khả năng mở rộng thị trường còn thụ động, năng lực tìm kiếm đầu ra, hoạt động marketing, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn yếu. Ngoài ra, hầu hết vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất của các cơ sở làng nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Theo đánh giá của bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), trong tổng số các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ có khoảng 40% số làng nghề có hướng phát triển tốt nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu thị trường. Còn lại, rất nhiều mặt hàng phụ thuộc vào mẫu mã sẵn có của khách hàng. Bên cạnh đó, trong cuộc cách mạng 4.0 với xu hướng phát triển mạnh thương mại điện tử như hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề nói chung, làng nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng mặc dù đã tiếp cận hình thức quảng bá, bán hàng trên website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nhưng số lượng chưa nhiều. Hoạt động thương mại điện tử chưa thực sự phát triển, việc thực hiện các giao dịch trên internet còn hạn chế.

Để phát triển nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ,  thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng; được hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất từ kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương; được hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được ngành công thương hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, cách đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử, cách thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để doanh nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại.

Khuyến nghị các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tại hội thảo “Nâng cao kỹ năng bán hàng online và marketing cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trong làng nghề” diễn ra tại Hà Nam do Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần đặc biệt quan tâm đầu tư sáng tạo các mẫu mã hàng hóa, sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm nên có tính thương mại cao để áp dụng sản xuất hàng loạt.

Đồng thời, tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề đối với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm kích cầu tiêu dùng và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có lợi thế. Cùng với đó, cần có các cơ chế, chính sách đầu tư cho các làng nghề phát triển thương hiệu. Đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, tập huấn để doanh nghiệp, cơ sở làng nghề nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, marketing sản phẩm và bán hàng trực tuyến. Làm tốt chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể tiếp cận người mua ở bất cứ đâu và từng bước đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy