Quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn

Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển đa dạng ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với điều kiện thực tiễn và thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần giúp các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, lao động, hộ nghèo.

Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, các hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được phân theo 6 nhóm ngành nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 27.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, trong đó có gần 7.800 cơ sở trong làng nghề, làng nghề truyền thống (bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác). Các cơ sở giải quyết việc làm cho gần 57.000 lao động. Qua số liệu này có thể thấy, bên cạnh việc quan tâm duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn. Hoạt động của các cơ sở ngành nghề nông thôn đã và đang góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho lực lượng lớn lao động nông thôn.

Mô hình nuôi cá lồng ở xã Phú Phúc. Ảnh: Mạnh Hùng

Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng để xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, đồng thời tạo đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về giao thông, địa lý, nguồn nhân lực (tiếp giáp với thành phố Nam Định, có quốc lộ 38B đi qua, người dân cần cù, chịu khó lao động) để phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn như may công nghiệp, mộc, cơ khí, xây dựng, chế biến thực phẩm… Nhờ đó, từ một xã thuần nông, đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm các xã thấp nhất của huyện, năm 2023, xã Tiến Thắng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Năm 2024, xã phấn đấu đạt mục tiêu, thu nhập của người dân trên địa bàn đạt từ 76,5 triệu đồng/người.

Ông Trần Trung Hà, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng cho biết: Để thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã Tiến Thắng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phát triển đa dạng các ngành nghề để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Để đạt mục tiêu đề ra, xã đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là nghề may công nghiệp, chế biến thực phẩm… Vì vậy, người dân xã Tiến Thắng giờ đây không còn chỉ biết chăn trâu, nuôi lợn, cấy lúa mà khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn tham gia làm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại.

Để duy trì các làng nghề, làng nghề truyền thống nói riêng, thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn nói chung, thời gian qua, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển ngành nghề nông thôn; làm tốt công tác bảo tồn, phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, bộ phận nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số; khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ, cải tiến máy móc để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, những năm qua, Sở Công thương tổ chức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; thực hiện nhiều đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Những năm qua, sở cũng làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam; phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo marketing hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm; thực hiện xác nhận kiến thức và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bảo đảm quy định của pháp luật cho các cơ sở sản xuất thực phẩm.

Xác định rõ tầm quan trọng của ngành nghề nông thôn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, theo kế hoạch, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030; duy trì, củng cố 58 làng nghề, làng nghề truyền thống hiện đang hoạt động và khuyến khích phát triển các ngành nghề, làng nghề mới; thực hiện rà soát, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định; tập trung huy động các nguồn lực, đặc biệt nguồn vốn xã hội hóa cũng như lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển làng nghề; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, hạn chế tối đa các hoạt động gây suy giảm môi trường, khuyến khích phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp ở nông thôn.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy