Khởi sắc nghề mây tre đan

Mây tre đan là một trong những nghề truyền thống của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho hàng nghìn lao động các vùng nông thôn. Đây cũng là nhóm nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid - 19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Với sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nhóm nghề mây tre đan, đan lát trong tỉnh đang có những dấu hiệu khởi sắc đáng mừng.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng mây tre đan có quy mô lớn, hoạt động của Công ty TNHH Vhandy, thôn 2 Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) bị ngưng trệ trong giai đoạn 2020-2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. Hàng hóa không tiêu thụ được cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu khiến công ty gặp nhiều khó khăn và phải tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do tại nhiều thời điểm du lịch trong nước gần như bị “đóng băng”, sản phẩm mây tre đan của công ty không thể tiêu thụ tại các điểm du lịch trên cả nước. Cùng với đó, tổng cầu thế giới sụt giảm mạnh thời điểm trong và sau khi dịch Covid -19 bùng phát khiến người dân hạn chế mua sắm các mặt hàng không thật sự thiết yếu, trong đó có hàng mây tre đan. Thế nhưng, trong những tháng gần đây, cùng với sự khởi sắc của một số sản phẩm công nghiệp khác, mặt hàng mây tre đan cũng có những dấu hiệu phục hồi đáng mừng. Vhandy đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn trong nước và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan…

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Vhandy cho biết: Ngoài các sản phẩm mây tre đan truyền thống (hộp đựng giấy, khay hoa quả, khay đựng chén, tấm lót ly, giỏ đựng quà, sọt đựng quần áo, làn đi chợ…), hiện nay, Vhandy còn phát triển mạnh mặt hàng bát gáo dừa, ví, túi, mũ cói để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là khách du lịch. Trong thời gian dài hàng hóa bị tồn kho, không tiêu thụ được, vợ chồng tôi đã dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, đi khảo sát thực tế nhu cầu, thị hiếu, sở thích của người dân tại các địa phương trong nước và một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… đối với mặt hàng mây tre đan. Từ đó, xây dựng, phát triển chiến lược kinh doanh mới, tập trung cải thiện mẫu mã, phát triển mạnh thị trường mục tiêu và các mặt hàng chiến lược, có lợi thế. Sự phục hồi đáng kể về thị trường tiêu thụ trong những tháng cuối năm 2023 đã giúp doanh thu của công ty trong cả năm 2023 đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng. Vhandy phấn đấu, doanh thu năm 2024 sẽ tăng từ 30% so với năm 2023. Thời điểm này, thị trường đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Ngoài tiêu thụ ở các điểm du lịch trong nước, Vhandy còn ký nhiều hợp đồng gia công sản phẩm quy mô lớn cho các đối tác ở Trung Quốc.

Sản phẩm mây tre đan, túi, ví cói... của Công ty TNHH Vhandy, thôn 2 Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Còn tại làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động, tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên), hiện nay, hơn chục doanh nghiệp và khoảng 300 hộ dân đã lấy lại được “nhịp” sản xuất, kinh doanh ổn định sau thời gian dài gặp khó về thị trường đầu ra. Thời điểm này, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Trong đó, phần lớn sản phẩm của làng nghề, bao gồm sản phẩm nhà bếp, nhà tắm, đồ trang trí… được các doanh nghiệp làng nghề thu mua, xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổ trưởng Tổ dân phố Ngọc Động phấn khởi cho biết: Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động vẫn tồn tại, đứng vững và có bước phát triển là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng đổi mới cách tiếp cận khách hàng, marketing cho sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm làng nghề. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất rất sáng tạo, linh hoạt trong việc phối kết hợp các loại nguyên liệu khác nhau trong cùng một sản phẩm như sử dụng nguyên liệu mây, cói, bèo, sợi nhựa, tre ép… để tạo ra sản phẩm mới vừa có mẫu mã bắt mắt, vừa giúp tiết kiệm nguyên liệu trong bối cảnh một số nguyên liệu phục vụ nghề đan lát, nhất là mây đang gặp khó khăn. Nhờ đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, tăng doanh thu cho làng nghề. Hiện, ngoài tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, nghề mây tre đan Ngọc Động còn thu hút lực lượng lớn lao động ở các xã lân cận và các huyện trong tỉnh làm nghề.

Theo thống kê của ngành chức năng, đối với nhóm nghề mây tre đan, đan lát, toàn tỉnh hiện có 12 làng nghề truyền thống đang hoạt động, chiếm trên 37% trong tổng số làng nghề truyền thống của tỉnh. Hiện, nhiều làng nghề đang có sự phục hồi, phát triển đáng kể như làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động; làng nghề truyền thống đan cót Thọ Chương, đan cót thôn Sàng (xã Đạo Lý, Lý Nhân); làng nghề truyền thống tre đan Gòi Thượng (xã An Nội, Bình Lục)… Tại các làng nghề, nghề mây tre đan mang lại nguồn thu nhập cho người lao động từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Hiện, các sản phẩm chủ yếu được làm thủ công, tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Riêng sản phẩm của làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động đã được xuất khẩu sang nước ngoài với tỷ lệ trên 80%.

Để gìn giữ, phát huy giá trị của các làng nghề, ngành nghề truyền thống nói chung và với nhóm nghề mây tre đan nói riêng, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội nghị nâng cao kỹ năng bán hàng online và marketing cho sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, chú trọng hỗ trợ phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường; khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế hội nhập, các sản phẩm mây tre đan với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành hợp lý, thân thiện với môi trường đã và sẽ luôn khẳng định được chỗ đứng nhất định. Từ những món đồ truyền thống, đến nay các sản phẩm mây tre đan của Hà Nam không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Xu hướng sử dụng đồ mây tre đang tạo cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ, phát triển hơn nữa trong thời gian tới, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy