Bình Lục phát huy vai trò của các mô hình kinh tế tập thể

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tạo tiền đề để thành lập hợp tác xã kiểu mới, những năm qua huyện Bình Lục đã quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp tại các xã, thị trấn. Qua đó, giúp người dân có nhiều cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bình Nghĩa là xã thuần nông của huyện Bình Lục với diện tích đất trồng cây ăn quả là 232 ha (chiếm trên 43% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã). Trên địa bàn xã, nhiều hộ phát triển mạnh mô hình vườn cây ăn quả với các giống cây chủ lực, như nhãn, bưởi, táo, hồng xiêm, mít, ổi… Trước thực tế đó, năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền và Hội Nông dân xã, Chi hội Nghề trồng cây ăn quả xã Bình Nghĩa được thành lập với 31 thành viên tham gia. Chi hội được thành lập nhằm mục đích tạo cơ hội để các thành viên giao lưu, cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, sau 4 năm đi vào hoạt động, chi hội đã khẳng định rõ vai trò, hiệu quả hoạt động, các hộ thành viên đều nâng cao được thu nhập, mở rộng diện tích canh tác và đã thu hút thêm được 28 thành viên tham gia, nâng tổng số thành viên lên 59. Theo đó, diện tích trồng cây ăn quả cũng được mở rộng từ 10 ha năm 2019 lên 18 ha. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là hồng xiêm xoài bởi đây là giống cây trồng có tính thuần, chịu hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, lại không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quả to, mọng và quanh năm, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Qua trao đổi với ông Trịnh Xuân Tiến, Chi hội trưởng Chi hội Nghề trồng cây ăn quả xã Bình Nghĩa được biết, để hỗ trợ thành viên trong chi hội có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế vườn, năm 2021 có 10 thành viên của chi hội đã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương với tổng số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên khác cũng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cải tạo, mở rộng quy mô sản xuất. Hằng năm, hầu hết các hộ thành viên của Chi hội Nghề trồng cây ăn quả xã Bình Nghĩa đều đạt mức thu nhập 200-400 triệu đồng từ nghề trồng cây ăn quả. Qua đó, góp phần quan trọng để xã Bình Nghĩa hoàn thành, nâng cao chất lượng tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Bình Lục phát huy vai trò của các mô hình kinh tế tập thể
Sản xuất kẹo lạc vừng tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tập, thành viên Tổ hợp tác Kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi thôn Tiêu Hạ Nam, xã Tiêu Động, Bình Lục. Ảnh: Hân Hân

Theo thống kê, huyện Bình Lục hiện đã thành lập và đang duy trì hoạt động của 21 mô hình tổ hợp tác và 7 chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực: Trồng trọt; chăn nuôi; chế biến lương thực, thực phẩm; may mặc; mộc...  thu hút khoảng 500 thành viên tham gia sinh hoạt. Trong đó, có nhiều mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả, như: tổ hợp tác Chăn nuôi bò (xã Bồ Đề); tổ hợp tác Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thôn Tập Thượng (xã La Sơn); tổ hợp tác Trồng cây ăn quả (xã Ngọc Lũ); tổ hợp tác Trồng cây ăn quả thôn An Bài 2 (xã Đồng Du); tổ hợp tác Sản xuất đồ sừng mỹ nghệ thôn Đô Hai (xã An Lão); tổ hội nghề Đan tre thôn 3 (xã An Nội); tổ hội Sản xuất bánh đa canh thôn Thanh Hòa (xã Đồn Xá); chi hội nghề Trồng cây ăn quả thôn An Tâm (xã An Ninh)…

Các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp này được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động và bảo đảm đạt các tiêu chí: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Về những thay đổi sau khi tham gia sinh hoạt các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, khi được hỏi, phần lớn các thành viên đều cho rằng, so với thời điểm còn làm nghề độc lập, chưa tham gia sinh hoạt tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các hộ đều phải tự thân vận động, từ khâu tìm mua giống, chăm sóc cho đến tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia vào tổ liên kết, nguồn cây, con giống, nguyên liệu để chế biến thực phẩm… đã được các thành viên trong tổ giới thiệu, cung cấp, bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, các thành viên còn giám sát nhau về chất lượng sản phẩm cũng như hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, quy mô hoạt động, lợi nhuận của các thành viên ngày càng được cải thiện, nâng lên.

Khẳng định vai trò của các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp tại địa phương, ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: Mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp là tổ chức kinh tế gọn nhẹ, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ ở nông thôn, tạo tiền đề để mỗi năm huyện thành lập mới từ 1-2 mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở các tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp. Điều thuận lợi là, sau khi tham gia sinh hoạt tại các tổ chức này, các thành viên có cơ hội được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức về kinh tế tập thể, tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.

Việc thành lập các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn huyện Bình Lục. Thời gian tới, huyện Bình Lục sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội nông dân, các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, các ngành nghề thế mạnh trên địa bàn để tuyên truyền, vận động xây dựng mới các tổ hợp tác, tổ hội, chi hội nghề nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy