Năm 2023, được đánh giá là một năm hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng, bởi những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách, sự nỗ lực của các DN, “sức khỏe” của các DN trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Năm 2023, Hà Nam nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có thu hút đầu tư cao của cả nước và cũng là một trong những địa phương nâng cao thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đó chính là nguồn nội lực quan trọng để Hà Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2024.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật
Với quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, năm 2023, Hà Nam tập trung kêu gọi các DN nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của tỉnh. Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tỉnh rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ hậu cần, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối, thông suốt; hệ thống hạ tầng cấp điện, viễn thông và cấp thoát nước đến chân hàng rào nhà máy, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu sản xuất của DN.
Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai... Tích cực hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất; chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng...
Tính đến quý I/2024, toàn tỉnh có 8/8 KCN đã và đang được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng với diện tích 2.292,06 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.652,8 ha. Toàn tỉnh hiện có 5.800 DN đang hoạt động. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 9 dự án (tăng 28,6%) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 2.172,9 tỷ đồng (tăng 150,9%) và 62,8 triệu USD (giảm 37,1%). Đối với dự án FDI: thực hiện cấp mới 8 dự án với tổng số vốn đăng ký là 55,8 triệu USD và thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 4 dự án với số vốn tăng là 7,0 triệu USD. Đối với dự án trong nước: thực hiện cấp mới 9 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1.442,6 tỷ đồng và thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án với số vốn tăng là 730,3 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.195 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 800 dự án trong nước và 395 dự án FDI với vốn đăng ký là 171.361 tỷ đồng và 6.010,7 triệu USD.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Năm 2023, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN; các dịch vụ cung cấp cho DN trong KCN cũng được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm, ngày càng đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN.
Theo ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, năm 2023, trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức; thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho DN trong KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng, DN cung cấp dịch vụ trong các KCN. Qua đó, thực hiện hiệu quả Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ trong các KCN trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN trong KCN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất...
Đến thời điểm này, các dịch vụ cung cấp cho DN trong các KCN của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, chất lượng đến chân hàng rào; cơ bản từng bước đáp ứng yêu cầu của DN trong sản xuất, kinh doanh... Các dịch vụ điện, nước bảo đảm ổn định; việc thu gom nước mưa và nước thải của các DN thứ cấp cơ bản triệt để. Hiện, 8 KCN của tỉnh đều có trạm xử lý nước thải tập trung vận hành xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường. 8 KCN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có tổng công suất xử lý 18.400 m3/ngày đêm, mọi dữ liệu đều được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường 24/24h để theo dõi giám sát. Cùng với đó, các dịch vụ về hạ tầng giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường cảnh quan trong các KCN được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong các KCN, Ban Quản lý các KCN cũng đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN chủ động lắp đặt hệ thống camera an ninh trên các tuyến đường chính. Công tác an toàn vệ sinh lao động được bảo đảm.
Ngoài các dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ khác phục vụ hoạt động của các DN và người lao động như: viễn thông, ngân hàng, vận chuyển hàng hóa logistics; hỗ trợ phát triển công nghiệp, nhà ở... đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và nâng cao về chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng cao của DN. Cùng với đó, các dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề, y tế và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” liên thông cũng đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả.
Tiếp tục cải thiện thứ hạng chỉ số PCI và chỉ số PGI
Theo đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2023, với nhiều giải pháp nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chỉ số PCI của tỉnh đã tăng 10 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 6/10 chỉ số thành phần (CSTP) tăng cao so với năm 2022, bao gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số chi phí thời gian; Chỉ số đào tạo lao động. Đặc biệt, với 7,10 điểm, Hà Nam lọt vào tốp 30 địa phương có điểm số cao nhất trong CSTP 4 Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.
Cùng với Chỉ số PCI, Chỉ số PGI đã có bước đột phá về thứ hạng. Các CSTP đều tăng so với năm 2022 (bao gồm: chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai tăng 4,07 điểm; chỉ số bảo đảm tuân thủ tăng 0,93 điểm; chỉ số thúc đẩy thực hành xanh tăng 0,44 điểm và chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ tăng 4,19 điểm). Với kết quả đó, Hà Nam lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có Chỉ số PGI tốt nhất, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố và được đánh giá là một trong những tỉnh nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Đó chính là nguồn lực quan trọng để Hà Nam tiếp tục có những đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, hướng tới nền kinh tế xanh ổn định và bền vững...
Năm 2024, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác thu hút đầu tư, phát huy lợi thế nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, cửa ngõ phía Nam Hà Nội, trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm, đầy đủ các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các DN. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao… góp phần, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI và Chỉ số PGI.
Thông qua đó, khẳng định chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, thúc đẩy DN phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển DN, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI; phát huy tính năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên địa bàn tỉnh phát triển.
Minh Thu