Năm 2023, mặc dù được đánh giá là năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế trong nước nói chung và Hà Nam nói riêng, nhưng với quan điểm tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế, Hà Nam đã nỗ lực phấn đấu, trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước có thu hút đầu tư cao và cũng là địa phương nâng cao được thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số Xanh. Đó chính là nguồn nội lực quan trọng để Hà Nam tiếp tục cải thiện thứ hạng về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 và trở thành địa phương đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Những gam màu sáng
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế trong nước vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực tiếp tục leo thang; lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng chưa đồng đều, tốc độ phục hồi chậm, nhất là một số đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, với quan điểm, tập trung mọi nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển; tiếp tục phát huy lợi thế nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, cửa ngõ phía Nam Hà Nội, trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Hà Nam đã triển khai đồng loạt nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế. Trên cơ sở, bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Nhiều chỉ tiêu KT-XH tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 20.990,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 52,4 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; năng suất lao động tăng 24,17% so cùng kỳ. Nổi bật, với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP- giá SS 2010) tăng 10,35% so với cùng kỳ, Hà Nam được đánh giá là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ tư cả nước sau các tỉnh Bắc Giang, Khánh Hòa và Thanh Hóa. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn giữ vai trò chủ đạo, 6 tháng đầu năm ước đạt 17.443,9 tỷ đồng, tăng 13,26% so với cùng kỳ (đóng góp 81% vào mức tăng chung). Theo đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, sự cải thiện đáng kể về cung cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng đơn hàng, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển ổn định. Đến nay, một số ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastics; sản xuất sản phẩm điện tử, linh kiện; sản xuất thiết bị điện... đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn và dài hạn.
Ngoài ra, số lượng dự án mở rộng sản xuất và dự án sản xuất mới đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng khá đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, với sự phục hồi tích cực của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 26.176,6 tỷ đồng, tăng 11,03% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 36%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 28,9% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư cũng có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, từ ngày 1/1 đến 31/5, toàn tỉnh thu hút 29 dự án (bằng 223,1% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng trưởng
Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp như: thu cân đối ngân sách nhà nước; vốn đầu tư phát triển xã hội; GRDP bình quân đầu người; tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 30,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 27,4 % so với vốn kế hoạch địa phương giao. Tỷ lệ doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động tăng 24,9%; tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023... Đây là những khó khăn, thách thức không nhỏ đặt ra đối với Hà Nam trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT - XH 6 tháng cuối năm.
Do vậy, để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024 của tỉnh trong 6 tháng cuối năm, phát biểu tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XIX, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế. Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển KT-XH, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể có thế mạnh của địa phương; đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm trong nước và quốc tế.
Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách; phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách bình quân của tỉnh đạt trên 10%/năm. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 64-CTr/TU, ngày 15/11/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...
6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Hà Nam đã cơ bản duy trì ổn định và có bước tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2024, nền kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới luôn có những diễn biến bất ổn khó lường. Tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, Hà Nam sẽ hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2024 đã đề ra và tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Minh Thu