Sau hơn 7 tháng đi vào khai thác tuyến xe buýt từ Hà Nam đi Yên Nghĩa (Hà Nội), đến nay giảm 50% số lượt chạy. Nhiều hành khách thắc mắc, chờ đợi cả giờ vẫn chưa có xe chạy, trong khi đó các doanh nghiệp cam kết sau 6 tháng khai trương, tần suất 15 - 30 phút/lượt? Vậy nguyên nhân do đâu?
Ngày 24/3/2019, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam phối hợp với Công ty TNHH vận tải và du lịch Bảo Châu khai trương tuyến xe buýt bến xe Hà Nam – bến xe Yên Nghĩa Hà Nội. Theo cam kết, lịch trình của xe khởi hành từ 5 giờ đến 19 giờ 30 phút hằng ngày.
Xe chạy xen kẽ luân phiên hai chiều. Lộ trình xuất phát từ bến xe trung tâm Hà Nam – Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (TP. Phủ Lý) - đường Lê Duẩn - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Lê Hoàn (TP. Phủ Lý) – quốc lộ 1 – thị trấn Đồng Văn – quốc lộ 38 (nút giao vực Vòng) – cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ, Ninh Bình – đường 427 – quốc lộ 1A – đường 70 – Quang Trung (Hà Đông) - Bến xe Yên Nghĩa và ngược lại với tổng chiều dài của toàn tuyến 73 km.
Trong giai đoạn 1 (6 tháng đầu), mỗi doanh nghiệp có 5 xe ô tô chạy tần suất từ 30 phút – 60 phút/lượt, bình quân 40 lượt mỗi ngày. Giai đoạn 2, mỗi doanh nghiệp nâng lên 10 xe với tần suất từ 15 phút – 30 phút/lượt (60 lượt/ngày).
Việc đưa tuyến xe buýt 214 đi vào hoạt động, bước đầu đã tạo điều kiện đi lại cho người dân được thuận lợi, từ đó khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, bảo vệ môi trường và góp phần hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động được hơn 7 tháng, nhiều hành khách bức xúc khi đợi cả giờ vẫn chưa có xe buýt. Anh Nguyễn Văn Thành, ở phường Minh Khai (TP Phủ Lý) nói: Tuần nào tôi cũng phải lên khu vực bến xe Yên Nghĩa để lấy hàng, song không hiểu tại sao tuyến xe buýt này mới khai trương lại chạy rất thất thường. Có khi đợi cả giờ vẫn chưa có xe đến, tôi đành phải bắt xe ngoài đi lên bến xe Giáp Bát, sau đó đi tiếp một chặng nữa đến bến xe Yên Nghĩa.
Cũng giống như anh Thành, rất nhiều người dân thắc mắc không hiểu vì lý do gì tuyến xe buýt Hà Nam – Yên Nghĩa mới khai trương nhưng lại hoạt động không đúng thời gian thông báo, làm ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi, đi lại của người dân.
Ông Bùi Tiến Hiệp, cán bộ kế hoạch (Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam) cho biết: Theo kế hoạch thì sau 6 tháng, hai doanh nghiệp sẽ thực hiện giai đoạn 2, mỗi bên có 10 xe, thời gian chạy 15 – 30 phút/lượt. Tuy nhiên, khi khai thác giai đoạn 1, Công ty TNHH vận tải và du lịch Bảo Châu đã thông báo dừng không cho xe chạy từ 1/10/2019, do thua lỗ. Hiện toàn tuyến chỉ còn 5 xe của Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam chạy (tương đương với 20 lượt/ngày) và có những lượt hành khách sẽ phải đợi hơn một giờ.
Cũng theo ông Hiệp, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam chạy tuyến buýt bến xe Hà Nam – bến xe Yên Nghĩa cũng đang bị thua lỗ. Bình quân mỗi lượt xe chạy chỉ có 6 - 7 khách, với giá vé 30 nghìn đồng thu được khoảng 200 nghìn, một ngày doanh thu được 800 nghìn đồng/xe, trong khi đó chi phí tiền nhiên liệu, lái, phụ xe, phí cầu đường… mất khoảng 2 triệu đồng (chưa kể khấu hao xe), lỗ khoảng 1,2 triệu đồng/xe.
Hiện nay, doanh nghiệp đã có công văn gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị bố trí xe chạy đối lưu với doanh nghiệp trên tuyến này, với hy vọng một thời gian ngắn nữa hành khách đi lại sẽ quen và doanh nghiệp giảm dần thua lỗ, tiến tới có lãi.
Theo quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt của Bộ Giao thông vận tải thì tần suất xe chạy đối với các tuyến xe buýt lân cận không được vượt quá 30 phút/lượt xe xuất bến. Việc Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam và Công ty TNHH vận tải và du lịch Bảo Châu mới khai trương tuyến xe buýt bến xe Hà Nam – bến xe Yên Nghĩa song bỏ 50% số lượt sẽ có nguy cơ vi phạm đến thời gian quy định chạy của xe buýt.
Từ thực tế đó, các doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội có giải pháp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để duy trì tuyến xe buýt trên, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện.
Trần Hữu
Trần Thoan