Vì sao chưa giải tỏa được bãi VLXD tự phát ven sông?

Rất nhiều lần các huyện và thành phố đã chỉ đạo kiên quyết xóa bỏ bãi vật liệu xây dựng (VLXD) tự phát ven sông, song thực tế hiện nay số lượng các bãi VLXD tự phát vẫn duy trì hoạt động. Việc hình thành và hoạt động của các bãi VLXD tự phát kéo theo nhiều hệ lụy như: Tạo điều kiện cho nạn hút cát trộm, xe quá tải lưu thông trên đê và đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến môi trường trong khu

Bãi cát chân cầu sông Đáy, xã Kim Bình (TP. Phủ Lý) buộc phải đóng cửa từ tháng 6/2019, song đến nay vẫn hoạt động.

Theo tổng hợp của các huyện và thành phố, ước tính đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 40 bãi VLXD tự phát nằm dọc ven vùng đất bãi sông Hồng, sông Đáy, sông Châu; trong đó chỉ có khoảng gần 20 bãi phù hợp với quy hoạch và đã được quy hoạch làm bãi VLXD. Các bãi VLXD hình thành hàng chục năm nay, nhưng tập trung cao điểm nhất vào năm 2009 – 2015. 

Giai đoạn này cũng là thời điểm nhu cầu cát xây dựng, cát san lấp trên thị trường đang tiêu thụ mạnh. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã tự ý xây dựng bãi VLXD để kinh doanh, thuận tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ đường thủy lên đường bộ. Vị trí xây dựng bãi VLXD được các doanh nghiệp, hộ gia đình chọn gần ven sông và gần các tuyến quốc lộ, đường tỉnh nhằm thuận tiện cho tàu thuyền ra vào bơm cát và các xe tải vận chuyển hàng hóa. Khu vực đất bãi ven sông Hồng, càng gần các tuyến quốc lộ bãi VLXD càng mọc lên nhiều.

Ông Đặng Xuân Phương, chủ một bãi VLXD ở xã Nguyên Lý (Lý Nhân) cho hay: Hầu hết cát san lấp, cát xây dựng đều phải lấy từ bãi VLXD ven sông Hồng. Theo phân khúc thị trường, một khối cát mua tại tàu hút lên bờ có giá từ  45 – 46 nghìn đồng, các chủ bãi cát bán ra từ 54- 55 nghìn đồng, được lời từ 9-10 nghìn đồng/m3. Nếu như những bãi VLXD lớn ký hợp đồng san lấp công trình như các: KCN, khu tái định cư, các tuyến quốc lộ, đường cao tốc… thì lời lãi thu được rất cao, còn những bãi nhỏ trừ chi phí một tháng cũng được vài chục triệu đồng.

Chính vì lợi nhuận cao, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã thuê đất của xã, thuê đất hoa màu của dân rồi chuyển đổi thành bãi VLXD. Cứ thế, số lượng bãi VLXD ngày càng tăng nhanh. Nguy hiểm nhất, các bãi VLXD không nằm trong quy hoạch, tự phát mọc lên sẽ là điểm thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho các tàu hút cát trộm. Nhiều bãi cát ven đê sông Hồng thuộc các xã Nhân Đạo, Nguyên Lý, Đạo Lý (Lý Nhân) còn lấn chiếm cả kè sông với hàng nghìn m3 cát chất ngay mép kè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lún kè. 

Tại bãi cát ven sông Đáy, ở khu vực cầu sông Đáy xã Kim Bình (TP. Phủ Lý), các doanh nghiệp còn tự ý đắp ụ ven sông để cẩu cát dưới thuyền lên bãi chứa và biến chân đê sông Đáy thành bãi cát lớn, thường xuyên có xe chở quá tải ra vào vận chuyển VLXD. Được biết, hai bãi cát ven cầu sông Đáy ở xã Kim Bình đã được UBND thành phố Phủ Lý yêu cầu thanh lý hợp đồng cho thuê đất và đến tháng 6/2019 phải trả lại mặt bằng, song thực tế đến thời điểm này hai bãi VLXD vẫn hoạt động bình thường.

 Ông Nguyễn Minh Tân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nam cho biết: Theo quy định thì từ mép công trình kè vào đến bờ 50m thuộc hành lang kè sông, song thực tế nhiều bãi cát còn lấn chiếm cả hành lang kè, đắp ụ, làm cầu cảng, lấn chiếm cả bờ sông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở kè, cản trở dòng chảy trong mùa mưa bão. Việc này chính quyền địa phương không vào cuộc xử lý sẽ mất an toàn cho các công trình thủy lợi. 

Vậy tại sao việc xóa bỏ bãi VLXD tự phát gặp nhiều khó khăn? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Nhiều xã, chính quyền tạo điều kiện cho người dân thuê đất UB với danh nghĩa là trồng màu, song lại chuyển sang làm bãi VLXD, nhưng không bị chính quyền thanh lý hợp đồng. Khi UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền chỉ đạo việc xóa bỏ bãi cát tự phát, các xã thanh lý hợp đồng thuê đất với các hộ dân, nhưng vẫn để cho các hộ làm bãi VLXD, không hề can thiệp. Chính sự buông lỏng trong công tác quản lý ở cấp xã, dẫn tới các bãi VLXD tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động, vi phạm pháp luật đê điều, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Để xóa bỏ bãi cát tự phát, trước hết chính quyền địa phương phải vào cuộc, kiên quyết xử lý thu hồi lại đất cho thuê, yêu cầu các hộ không được dùng đất nông nghiệp làm bãi VLXD. Đối với những vị trí bãi VLXD có quy hoạch cần tạo điều kiện cho bà con triển khai làm các thủ tục, để tiến tới xây dựng các bãi chứa VLXD lâu dài, thực hiện đúng các quy định về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và các quy định khác.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy