Nhằm bảo vệ hành lang sông Đáy và an toàn đê điều, UBND huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã, thị trấn giải tỏa cần trục cẩu vật liệu xây dựng (VLXD), cầu cảng tự phát và bãi kinh doanh VLXD không đúng quy định dọc bờ sông Đáy. Kết quả, bước đầu nhiều hộ xây dựng cần trục cẩu VLXD và bãi VLXD đã tự giác tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất nông nghiệp.
Theo ước tính tại khu vực ven sông Đáy thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm đang tồn tại hàng chục vị trí xây dựng trụ cẩu VLXD, cầu cảng tự phát và bãi VLXD không đúng quy định. Tất cả các bãi VLXD tự phát đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất ở và đất UBND xã quản lý. Việc tồn tại các trụ cẩu VLXD, cầu cảng tự phát và các bãi VLXD nhiều năm qua đã gây ra hệ lụy tác động đến đời sống của bà con trong vùng. Trên dòng sông Đáy, khi tàu thuyền ra vào cấp VLXD làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân sinh sống tại đây. Ở trên bờ, các bãi VLXD chuyên cấp VLXD cho các phương tiện chở quá tải lưu thông trên đê sông Đáy gây ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng này, UBND huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã, thị trấn xóa bỏ các trụ cẩu VLXD, cầu cảng tự phát và bãi VLXD không đúng quy định dọc ven sông Đáy; rà soát lại toàn bộ vị trí bà con sử dụng đất không đúng mục đích xây dựng trụ cẩu, cầu cảng và bãi VLXD tự phát. Căn cứ vào đó, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con tự tháo dỡ cần trục, cầu cảng, bãi VLXD tự phát. Các hộ đảng viên gương mẫu vận động gia đình làm trước, để bà con tháo dỡ theo. Huyện Thanh Liêm chỉ đạo xã Thanh Nghị làm trước để rút kinh nghiệm sau đó sẽ triển khai ra toàn huyện.
Ông Lê Quý Hoạch, Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị cho biết: Tại xã Thanh Nghị có 12 trụ cẩu, 7 bãi VLXD của 11 hộ gia đình. Các bãi VLXD này chủ yếu hình thành tự phát, bốc xếp hàng hóa, VLXD nhiều năm qua. Tháng 12/2019, đã có 7 hộ bị Cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nam xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ lụy của trụ cẩu VLXD, bãi VLXD tự phát gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn cho những hộ dân sinh sống trong vùng. Nhiều bãi VLXD còn thu hút phương tiện giao thông quá khổ, quá tải lưu thông trên đê sông Đáy, vi phạm Luật Đê điều và Luật Giao thông đường bộ. Xã Thanh Nghị đã tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân ở vùng ven sông Đáy tháo dỡ, trả lại mặt bằng theo đúng quy định. Sau nhiều lần tuyên truyền, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều, lao động và quyết định buộc khắc phục hậu quả đối với 11 hộ vi phạm. Đến nay, các hộ đã cơ bản tháo dỡ xong và từng bước khắc phục hậu quả.
Sau khi tháo dỡ xong trụ cẩu VLXD, cầu cảng tự phát, bãi VLXD ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn nằm dọc ven sông Đáy tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tháo dỡ cầu, cảng, bãi VLXD không đúng quy định. Nếu như hộ nào cố tình không thực hiện, chính quyền sẽ có biện pháp kiên quyết xử lý và yêu cầu các hộ sớm khắc phục hậu quả.
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh VLXD trên địa bàn, tỉnh đã thu hút các dự án xây dựng cụm cảng dùng chung, dự án bến thủy nội địa với mục tiêu hạn chế và chấm dứt cầu cảng tự phát trên sông. Qua thực tế, việc xây dựng cầu cảng tập trung đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy và từng bước đáp ứng nhu cầu trung chuyển VLXD bằng đường thủy của nhân dân và doanh nghiệp. Đối với trụ cẩu, cầu cảng tự phát, xây dựng không đúng quy định tồn tại nhiều năm qua, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng. Nếu như hộ nào cố tình không thực hiện, huyện sẽ có biện pháp xử lý để bảo vệ môi trường khu vực sông Đáy.
Việc xóa bỏ cầu cảng, trụ cẩu VLXD tự phát ở huyện Thanh Liêm là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang đê điều, hành lang sông Đáy. Tuy nhiên, để việc này triển khai nhanh chóng đòi hỏi chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đất đai và kiên quyết xử lý các hộ vi phạm.
Trần Thoan