Hiện nay, tại một số công trình giao thông của huyện Bình Lục xây dựng theo hiện trạng, không mở rộng mặt đường, hoặc quá trình thực hiện phải điều chỉnh quy mô đầu tư, thời gian thi công, do vậy chưa phát huy hiệu quả. Những tồn tại này tập trung ở một số đoạn thuộc tuyến quốc lộ (QL) 37B, các tuyến đường tỉnh (ĐT) 495B, ĐT496 và nhiều trục giao thông liên thôn, liên xã. Bên cạnh đó, một số cây cầu bắc qua sông Châu đã xuống cấp nhưng chưa được xây mới để đáp ứng yêu cầu đi lại và phát triển kinh tế giữa các địa phương trong khu vực.
Theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, QL 37B được quy hoạch tối thiểu đạt cấp III, hai làn xe bảo đảm cho các phương tiện lưu thông êm thuận. Tuy vậy, hiện tại mặt cắt ngang của tuyến QL37B đoạn qua khu vực huyện Bình Lục chưa bảo đảm theo quy hoạch, nhiều đoạn nhỏ, hẹp.
Ông Hà Đức Đồng, một người dân thị trấn Bình Mỹ phản ánh: Tuyến đường qua địa bàn thị trấn có hai đoạn là điểm giao cắt với đường sắt Bắc-Nam và đoạn qua chợ Phủ thường xuyên xảy ra ách tắc cục bộ, nhất là mỗi khi tàu đi qua, hoặc đầu giờ sáng, lúc tan tầm. Bởi ở những vị trí này, hai bên đường là các hộ kinh doanh, song mặt đường nhỏ hẹp, lượng phương tiện lưu thông đông. Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, nhiều lần nhân dân đề nghị Nhà nước ưu tiên vốn xây dựng đường gom đường sắt, rào chắn các đường ngang ở đoạn trước khu vực Bưu điện huyện nhưng đến nay chưa được thực hiện.
Cùng với đó, một số tuyến đường tỉnh trên địa bàn cũng đang phát sinh những tồn tại, đơn cử như tuyến ĐT495B đoạn qua các xã: Tiêu Động, La Sơn được triển khai xây dựng năm 2013, nhưng từ năm 2016 đến nay công trình dừng thi công. Đây là dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ dân cư miền núi của huyện Thanh Liêm được kết nối từ QL1A đến QL21A qua địa phận huyện Bình Lục. Tuyến đường xây dựng dở dang ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực và sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Tiếp đó, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT496 đi qua địa bàn 6 xã: Tràng An, Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh được phê duyệt tại Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 8/4/2010 của UBND tỉnh, dài 18,4km, quy mô nền đường 7,5m, mặt đường 5,5m. Tuy nhiên, quá trình thi công phải điều chỉnh quy mô. Cụ thể, ngày 21/12/2016 UBND tỉnh có Quyết định số 2095/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy mô đầu tư giảm, nền đường 5,5 m, mặt đường 3,5 m. Theo đó, dự án chỉ thực hiện cải tạo mặt đường hiện trạng, không thực hiện giải phóng mặt bằng theo mốc đã cắm tại hiện trường và đến năm 2019 tuyến đường mới hoàn thành. Đây là tuyến giao thông quan trọng có mật độ phương tiện tăng, nhưng mặt đường nhỏ, hẹp, quanh co. Hiện mặt đường đang xuống cấp, nhất là đoạn qua các thôn: Mỹ Duệ, Dân Khang Ninh, Hòa Thái Thịnh (Tràng An) và một số vị trí tại các xã: Đồng Du, Hưng Công. Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua địa bàn.
Qua dòng sông Châu kết nối huyện Bình Lục với huyện Lý Nhân hiện nay mới xây dựng 3 cây cầu bê tông tại các xã: Bình Nghĩa, Hưng Công; trong đó cầu Châu Giang (Hưng Công) được xây dựng từ năm 2017, đến nay đã hoàn thành nhưng chưa thông xe kỹ thuật. Bên cạnh đó, hai cây cầu ở xã Bồ Đề và xã An Ninh được xây dựng từ lâu nay đang xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Các cây cầu dài 70m, rộng 2m, kết cấu dầm thép, trụ đỡ bê tông cốt thép, mặt cầu lát bằng tấm đan bê tông. Ông Trần Văn Khánh, người dân thôn Văn Ấp, xã Bồ Đề cho biết: Trước đây, cầu thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, nhưng mấy năm gần đây không được các cấp, ngành quan tâm nên cầu xuống cấp. Toàn bộ phần lan can và mặt cầu hư hỏng nên mỗi khi lưu thông cầu rung lắc mạnh, không bảo đảm an toàn giao thông.
Để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thời gian qua, huyện Bình Lục đã triển khai 2 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) là: Tuyến D4 kết nối từ QL21B về thị trấn Bình Mỹ dài 2,4km, đường một chiều, nền đường 42m, trong đó mặt đường mỗi chiều 10,5m, hai bên vỉa hè mỗi bên 6,5m; Và tuyến đường số 13 dài 1,4km, nền đường 27m, mặt đường mỗi chiều rộng 7,5m, hai bên vỉa hè mỗi bên 5m. Các công trình được khởi công đầu năm 2020 nhưng do thiếu vốn đầu tư nên từ tháng 5/2022 đến nay các dự án đã dừng thi công.
Bên cạnh những tồn tại ở các công trình giao thông do Nhà nước, tỉnh quản lý đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa định kỳ theo kế hoạch, hiện tại nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đang xuống cấp cần được nâng cấp. Đơn cử như ở các xã: Đồng Du, Hưng Công, Trung Lương... hiện mỗi xã có từ 3 – 5 tuyến trục giao thông thôn, xóm cần được nâng cấp, mở rộng.
Ông Trần Hồng Thăng, Chủ tịch UBND xã Trung Lương cho biết: Mặc dù các tuyến đường giao thông của xã đã được bê tông, nhưng nhiều tuyến cần được nâng cấp, trong đó 5 tuyến đường trục xã đã xuống cấp, đặc biệt là tuyến từ cầu Họ - Mai Động và tuyến QL21A – Từ đường Nguyễn Khuyến. Có thể nói, tập trung hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường giao thông là một trong những nhiệm vụ nặng nề và là tiêu chí quan trọng để Trung Lương phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Được biết, theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 31/9/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tới đây cầu An Ninh và Bồ Đề sẽ được lập dự án đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp. Tuyến ĐT495B, ngày 20/4/2022 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND phê duyệt về chủ trương dừng thực hiện dự án giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2, hoàn thành thông tuyến vào tháng 12/2024.
Theo đó, hiện tại các cấp, ngành của huyện Bình Lục đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ở các xã ảnh hưởng đất thu hồi xây dựng tuyến ĐT495B sớm bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, các xã tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông thôn, xóm; khẩn trương hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và kết nối giao thông giữa các vùng trong khu vực.
Phùng Thống