Đấu giá quyền sử dụng đất ở song lại xây dựng nhà xưởng, đó là tình trạng đang diễn ra tại xã Ngọc Sơn (Kim Bảng). Sự việc không được ngăn chặn, về lâu dài chính các doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư không chỉ vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ sinh sống xung quanh.
Khu dân cư ở xã Ngọc Sơn nằm ngay cạnh quốc lộ 21B được xây dựng từ năm 2016 với mục đích cho nhân dân đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, theo quan sát từ bên ngoài, khu dân cư này hiện như một "cụm công nghiệp" mới được xây dựng. Có những hộ xây dựng nhà xưởng rộng 300 - 400 m2 và đã đi vào sản xuất.
Anh Trần Văn Thúy, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) cho biết: Gia đình tôi mua lại và đấu giá quyền sử dụng đất được 4 lô liền nhau, mỗi lô hơn 100 m2 để xây dựng nhà xưởng làm khung tranh, ảnh. Thời gian đầu làm móng, dựng cột, xã cũng cho người tới lập biên bản, nhắc nhở song do bí bách về cơ sở sản xuất nên cứ làm. Tôi cũng cam kết với chính quyền xã sẽ không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ trong khu vực.
Nhà xưởng sản xuất công nghiệp được xây dựng trong khu quy hoạch xây dựng nhà ở tại xã Ngọc Sơn ( Kim Bảng).
Khi được hỏi tại sao không thuê đất trong cụm công nghiệp để làm nhà xưởng, anh Thúy cho biết: Vào cụm công nghiệp, vốn liếng đầu tư rất lớn, việc thuê đất hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, tôi đã đầu tư mua đất ở để làm nhà xưởng trong khu dân cư. Toàn bộ khu nhà xưởng gia đình đầu tư khoảng 2 tỷ đồng là có thể đi vào sản xuất. Xây dựng nhà xưởng trong khu đất ở hằng năm không phải nộp bất cứ một khoản tiền nào. Vào cụm công nghiệp phải nộp tiền thuê đất, tiền phí dịch vụ hạ tầng.
Tính toán giống anh Thúy, một hộ gia đình cạnh xưởng của anh Thúy đang hoàn thiện nhà xưởng rộng hàng trăm m2 song không có bất cứ cơ quan, đơn vị quản lý nào đến xử lý vi phạm và nghiêm cấm xây dựng. Rõ ràng, việc buông lỏng công tác quản lý đất đai ở Ngọc Sơn đã dẫn tới tình trạng các hộ dân đấu giá quyền sử dụng đất ở song lại sử dụng sai mục đích.
Ông Trương Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Khi các hộ xây dựng nhà xưởng trong khu dân cư xã đã nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu bà con không vi phạm. Về thủ tục xây dựng nhà ở trong khu dân cư có quy hoạch chi tiết 1/500, ở Ngọc Sơn các hộ phải xin cấp phép xây dựng, tuy nhiên việc cấp phép không thuộc thẩm quyền của xã.
Trước thực trạng các hộ xây dựng trái phép tràn lan, ngày 18/6/2018, Văn phòng HĐND - UBND huyện Kim Bảng đã có Văn bản số 149/TB - VP về việc thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng tại hội nghị triển khai công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng; các quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng… trong đó nêu rõ: Đối với trường hợp vi phạm xây dựng nhà xưởng trong khu dân cư, lập biên bản và yêu cầu các hộ viết cam kết về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, tiếng ồn… Trường hợp vi phạm ảnh hưởng không lớn, không phát sinh đơn thư, khiếu nại, tạm thời cho phép tồn tại theo cam kết. Trường hợp vi phạm cam kết, yêu cầu tháo dỡ và xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, khi thông báo này được gửi đến các xã thì tại khu dân cư xã Ngọc Sơn người dân vẫn đang xây dựng nhà xưởng.
Đấu giá quyền sử dụng đất ở sau đó xây dựng nhà xưởng nếu như không được xử lý kịp thời sẽ là khởi điểm để nhiều hộ dân ở các xã làm theo, dẫn tới các hộ vi phạm Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng.
Trần Hữu
Trần Thoan