kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo

Chiều tối 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và kết nối trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác NGKT 6 tháng đầu năm 2024 được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội; duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ và các động lực tăng trưởng. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Đẩy mạnh công tác NGKT cũng góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã chủ trì xây dựng dự thảo tài liệu thành lập Ban thư ký CPTPP, thống nhất quy chế rà soát thực thi Hiệp định, trình Quốc hội xem xét phê chuẩn hồ sơ gia nhập của Anh, tham mưu chủ trương về hồ sơ gia nhập của các nền kinh tế khác. Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên về việc thiết lập Bộ phận hỗ trợ thực thi đặt tại Ban thư ký ASEAN, tạo tiền đề cho việc thành lập Ban thư ký. Với EU, Việt Nam rà soát tiến độ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với nhiều mặt hàng, đồng thời quyết liệt vận động và nâng số thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) lên 18/27 nước. Với Anh, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để tổng kết ba năm thực thi FTA song phương…

Cùng đó, công tác NGKT thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi. Đối với địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả ở trong và ngoài nước, hỗ trợ các tỉnh thành ký kết hơn 20 Bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế. Đồng thời, Bộ đã hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 3 di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản UNESCO lên 68, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch. Chú trọng hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế, và ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt tại các thị trường trọng điểm; tích cực vận động chính trị-ngoại giao để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt công tác nghiên cứu phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 – 2030 là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho 6 tháng cuối năm là kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát huy đổi mới sáng tạo, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024. Trên tinh thần đó công tác NGKT cần tập trung vào một số định hướng sau: Quyết liệt triển khai Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao về công tác NGKT, đóng góp tối đa để giữ vững môi trường và cục diện đối ngoại hòa bình, thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự, tiếp tục lấy đây là bệ phóng cho NGKT. Tiếp tục rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội, tập trung vào các xu thế phát triển mới trên thế giới và trong khu vực, xung đột tại các điểm nóng, bầu cử và điều chỉnh chính sách kinh tế tại các nước lớn, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh nghiệm phát triển các ngành chiến lược mới. Tạo chuyển biến thực chất trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi NGKT.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ biểu dương, hoan nghênh sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp, người dân cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, do đó không được chủ quan, lơ là; phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn; hành động có trọng tâm, trọng điểm; phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ lộ trình, rõ sản phẩm.

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào một số vấn đề: nâng cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tầm cao hơn (6,5% – 7%); đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (đột phá về hạ tầng, đột phá về thể chế, nâng cao nguồn nhân lực); ưu tiên cho tăng trưởng từ làm mới lại động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…); tăng cường kết nối các nền kinh tế của thế giới với nền kinh tế của nước ta, kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các địa phương ở nước ngoài với các địa phương của Việt Nam.

Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tăng cường mối liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… mở rộng cơ hội quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành phải thực hiện quản lý nhà nước thật tốt; định hướng quy hoạch phát triển tạo thuận lợi cho hàng hóa của nước ta có khả năng cạnh tranh, phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay...

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy