Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc nối lại sản xuất để bảo đảm các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau một thời gian dài bị đình trệ bởi dịch Covid-19.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc với mặt hàng chính là quần áo bơi xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Seyang Corporation Việt Nam (CCN Nhật Tân, Kim Bảng) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid -19 trong suốt 2 năm. Khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá cũng như không có thêm đơn hàng mới do nhu cầu sử dụng mặt hàng quần áo bơi trong “mùa” dịch giảm sút mạnh khiến Seyang Corporation Việt Nam liên tục phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm số giờ làm, ngày làm trong tuần của công nhân lao động. Đồng thời, tìm kiếm đối tác để sản xuất thêm mặt hàng khẩu trang vải nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty TNHH MTV Seyang Corporation Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thị trường tiêu thụ, đi vào hoạt động ổn định trên tất cả các dây chuyền sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự của công ty cho biết: Hiện nay, các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch ở hầu khắp các nước đều đã mở cửa trở lại và hoạt động bình thường. Theo đó, nhu cầu sử dụng quần áo bơi tăng cao. Công ty không còn sản xuất khẩu trang nữa mà tập trung đẩy mạnh sản xuất mặt hàng truyền thống là quần áo bơi vì số lượng đơn hàng gia tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022. Với lượng đơn hàng lớn, công ty vừa mới tuyển dụng thêm trên 100 lao động để bảo đảm tiến độ sản xuất. Công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển thêm lao động, mở rộng thêm dây chuyền, thiết bị máy móc để tăng tốc độ sản xuất trong quý II/2022. Seyang Corporation Việt Nam phấn đấu, sản lượng hàng hoá xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tăng 50% so với năm 2021 và tăng ít nhất 20% so với năm 2019 - thời điểm chưa bùng phát dịch Covid -19.
Tương tự, để đẩy mạnh sản xuất trong trạng thái bình thường mới, thời gian này, hầu hết doanh nghiệp trong các CCN đều phải tuyển dụng thêm nhân lực, tích cực đổi mới công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu khó tính ở khu vực châu Âu, châu Mỹ...
Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bảng cho biết: Quý I/2022, các CCN trên địa bàn huyện: Biên Hoà, Thi Sơn, Nhật Tân đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Dịch bệnh Covid -19 cơ bản được kiểm soát, nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra của sản phẩm tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tốc độ sản xuất sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính trong quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong các CCN của huyện đạt gần 732 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp do phần huyện quản lý.
UBND tỉnh hiện đã có quyết định thành lập đối với 15 CCN. Trong số đó, có 12 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 280 ha. Các CCN này đang thu hút 173 dự án đầu tư, trong đó có gần 30 doanh nghiệp có hàng hóa tham gia xuất khẩu. Các CCN đang tạo việc làm cho trên 11.000 lao động (tăng hơn 2.300 người so với năm 2015) với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng (tăng 1 triệu đồng so với năm 2015).
Bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Trong những năm qua, tình hình thu hút các dự án đầu tư vào CCN đạt hiệu quả cao. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các CCN trong toàn tỉnh đạt trên 94%. Đây là tỷ lệ đạt cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Trong 2 năm 2020 và 2021, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid -19 đã khiến cho doanh thu và mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của các CCN trong tỉnh giảm xấp xỉ 14% so với năm 2019. Thế nhưng, với đà sản xuất đang được phục hồi và phát triển như hiện nay thì doanh thu và số tiền nộp ngân sách của các CCN chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2022.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN; tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin phản ánh, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tích cực triển khai tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia làm chủ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật dùng chung và xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại CCN…
Theo phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 28 CCN với tổng diện tích gần 1.200 ha. Khi đó, các CCN sẽ thu hút khoảng 500 dự án đầu tư, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, tăng thu nộp ngân sách, tạo việc làm ổn định cho lực lượng lớn lao động địa phương.
Nguyễn Oanh