Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (nay đổi tên thành Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp) là một trong 3 chỉ số thành phần năm 2021 có số điểm thấp trong tổng số điểm đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này dùng để đo lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như: xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các KCN, cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 địa phương. Số điểm đánh giá PCI cấp tỉnh năm 2021 có thang điểm 100 và tiếp tục được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Tại tỉnh Hà Nam, năm 2021 Chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,2 điểm, giảm 0,66 điểm so với năm 2019 và tăng 0,63 điểm so với năm 2020. Chỉ số này cũng là một trong 3 chỉ số thành phần thấp điểm nhất trong 10 chỉ số thành phần. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo lý giải của các doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong KCN. Một số dịch vụ như: chất lượng dịch vụ điện, nước sạch, xử lý nước thải, tiêu thoát nước mưa trong các KCN đã được nâng lên đáng kể. Tại các KCN, tình trạng mất điện đột ngột đã giảm và nguồn điện cung cấp cho các doanh nghiệp ổn định hơn. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư còn phản ánh “biên độ dao động của dòng điện chưa ổn định” dẫn tới máy móc thiết bị hiện đại tự ngắt, gây gián đoạn sản xuất. Đối với các trường hợp này, Công ty Điện lực Hà Nam đã khuyến cáo khách hàng sử dụng thiết bị máy móc sản xuất có đặc tính công nghệ cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng điện áp phải đầu tư thêm thiết bị lưu điện công suất lớn như sử dụng bộ ổn định điện áp lắp đặt ở những đầu dây chuyền có thiết bị sản xuất cho phù hợp.
Ông Vũ Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam cho biết: Trong những năm qua, công suất sử dụng điện trong các KCN ở tỉnh tương đối tăng nhanh, có những năm tăng tới 22 – 25%. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, hằng năm công ty đều phải thống kê công suất sử dụng điện của khách hàng, kịp thời đầu tư nâng cấp lưới điện phục vụ các doanh nghiệp trong KCN. Đồng thời, công ty cũng chỉ đạo các điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra lưới, đưa thiết bị công nghệ cao như camera nhiệt, ống nhòm chuyên dụng để phát hiện sự cố đường dây, lưới điện; tập trung vệ sinh công nghiệp, sửa chữa đấu nối các thiết bị, đường dây và trạm biến áp theo hình thức hạn chế cắt điện, để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Cũng theo ông Vũ Hoàng Lâm, hiện trong các KCN có hàng chục doanh nghiệp chung nhau một lộ, chỉ cần một doanh nghiệp gây ra sự cố mất điện đã phải cắt điện 2 lần (một lần cắt nguồn của doanh nghiệp ra khỏi lộ, sau khi sửa chữa xong lại cắt điện đấu nối lại nguồn) gây ra sự cố mất điện cho nhiều doanh nghiệp khác. Muốn khắc phục sự cố mất điện của một doanh nghiệp không ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp cần lắp thêm một máy cắt điện để khi xảy ra sự cố mất điện ở doanh nghiệp nào chỉ cắt điện của riêng doanh nghiệp đó.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xử lý nước thải cũng đã đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp thứ cấp. Tại các KCN đều được quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt. Dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, bảo vệ an ninh trật tự, tài chính ngân hàng… cũng từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng, số lượng, phục vụ nhà đầu tư. Đối với dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, Chi cục Hải quan Hà Nam đã áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào trong quá trình khai quan. Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp khai quan qua mạng và ngành hải quan quản lý theo hình thức doanh nghiệp tự khai, tự tính và tự chịu trách nhiệm. Cơ quan hải quan chỉ hậu kiểm khi những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và những doanh nghiệp thuộc nhóm luồng đỏ, còn lại những doanh nghiệp khác khi đầy đủ thủ tục giấy tờ gửi thông tin qua mạng đến cơ quan hải quan, chỉ trong vòng vài phút kiểm tra là có thể thông quan.
Ngoài dịch vụ điện nước, công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp chưa được đa dạng phong phú; chưa quan tâm nhiều đến công tác xúc tiến thương mại, khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; nhiều doanh nghiệp còn thiếu kiến thức về thị trường, thiếu kiến thức về pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh song chưa có nhiều các đơn vị, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp làm dịch vụ tư vấn hỗ trợ pháp lý. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, lãi suất huy động vốn còn thấp song các ngân hàng vẫn giải ngân vốn cho khách hàng vay với lãi suất cao từ 9- 10%/năm.
Trong thời gian tới, để nâng cao chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc rà soát các dịch vụ, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các dịch vụ cần thiết… hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Trần Hữu