So với năm 2021, trong 9 tháng năm nay các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi sản xuất trở lại sau khi giá vật liệu xây dựng tăng dần. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đã nâng công suất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Theo tổng hợp của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel đang hoạt động với công suất ước đạt hàng trăm triệu viên/năm. Trong nhiều năm qua, hầu hết nhà máy gạch tuynel gặp khó khăn khi nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách xây dựng bằng gạch không nung, nhằm bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, kinh tế của người dân gặp khó khăn, sản phẩm gạch nung sản xuất ra tiêu thụ chậm đã ảnh hưởng đến doanh thu của tất cả các doanh nghiệp.
Ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ - CP của Chính phủ về “Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19’’ nhu cầu sử dụng gạch nung của người dân để xây nhà ở đã tăng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này, mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như Công ty TNHH Minh Hiếu, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) bắt đầu mở rộng sản xuất từ năm 2022. Trong 9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng công ty duy trì sản xuất khoảng 1,5 – 2 triệu viên gạch các loại, tăng 30 – 50% công suất so với cùng kỳ năm trước và đang giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông An Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiếu cho biết: Thông thường, nhu cầu sử dụng gạch nung của người dân tăng vào dịp đầu năm và khoảng tháng 8-9 âm lịch. Đó là thời gian người dân khởi công xây nhà ở và nhu cầu sử dụng gạch nung nhiều. Trong năm 2022, khi nguyên liệu đầu vào của các nhà máy gạch (than, xăng dầu, đất...) tăng, kéo giá gạch nung cũng tăng theo. Có thời điểm gạch nung lên đến 1.100 đồng/viên (xuất bán tại nhà máy), tăng khoảng 20- 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạch tăng, nhưng nhu cầu sử dụng gạch nung của người dân cũng tăng hơn so với những năm trước là thời điểm thuận lợi để nhà máy mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, phục hồi sau đại dịch.
Còn ông Trần Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Lý Nhân phân tích: Nguyên vật liệu đầu vào tăng bắt buộc các nhà máy phải điều chỉnh giá bán ra cao hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, trong năm nay thị trường tiêu thụ có thời điểm tốt hơn, một số đại lý đã đặt tiền trước để lấy gạch nên lượng hàng tồn kho không nhiều.
Cũng như hai doanh nghiệp trên, trong 9 tháng qua hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh đều tăng công suất sản xuất, khi giá gạch nung tăng và nhu cầu của thị trường nhiều hơn những năm trước. Theo nhận định của các chuyên gia ngành xây dựng, sản xuất vật liệu gạch nung trong thời gian qua tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Sản phẩm gạch nung chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng nhà ở dân cư và một phần công trình sử dụng vốn ngân sách, khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, người dân tập trung xây dựng nhà ở nên nhu cầu tiêu thụ tăng. Tại tỉnh Hà Nam, gạch nung chỉ cung ứng trong địa bàn và một số vùng lân cận do cạnh tranh về giá cước vận chuyển.
Với mục tiêu, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiện đang sản xuất gạch tuynel trong tỉnh nhanh chóng phục hồi sản xuất, quan điểm chỉ đạo của tỉnh không thu hút các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel và không cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động mở rộng dây chuyền sản xuất. Bởi thực tế hiện nay công suất hoạt động của các nhà máy gạch tuynel trong tỉnh đã đủ sản lượng phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn và một số vùng lân cận. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các ngành chức năng và ngân hàng thương mại cũng vào cuộc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel nhanh chóng phục hồi sản xuất nhằm tạo việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trở lại. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Trần Hữu