Chiều 27/12, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo việc chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát, quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư xây dựng cảng Yên Lệnh và dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao về sản xuất, lắp ráp ô tô.
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Cảng Yên Lệnh có vị trí tại xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên), nằm trong quy hoạch của tỉnh, đã được Bộ Giao thông – Vận tải công bố quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Thủ đô là rất lớn, dự kiến đạt khoảng 260 triệu tấn trong năm 2020.
Theo quy hoạch vùng Thủ đô năm 2015, tỷ lệ vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong vùng dự kiến từ 17,6% (năm 2020) và trên 20% (năm 2030). Trên thực tế, tỷ lệ đảm nhận vận tải bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng. Theo đó, cảng Yên Lệnh do Công ty Cổ phần Western Pacific lập quy hoạch và đề xuất xây dựng với quy mô khoảng 80 ha, công suất dự kiến là 2 triệu tấn/năm có vị trí cảng kết nối qua đê sang Quốc lộ 38 để đi vào KCN Đồng Văn và KCN Hòa Mạc theo đường thủy đi các tỉnh phía Bắc, Nam sông Hồng để ra biển sẽ là cơ sở để phát triển đồng bộ theo quy hoạch cảng hàng hóa dùng chung trên địa bàn tỉnh.
Dự án đầu tư KCN công nghệ cao về sản xuất lắp ráp ô tô do Công ty Minexport (thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cami) làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng tại huyện Duy Tiên là hợp lý bởi huyện Duy Tiên có vị trí địa lý phù hợp với việc kết nối giao thông và liên kết vùng thuận lợi với các tỉnh lân cận.
KCN công nghệ cao về sản xuất, lắp ráp ô tô có diện tích đất dự kiến khoảng 220 ha tại các xã Mộc Bắc, Mộc Nam. Dự án được triển khai trong 3 giai đoạn, từ năm 2020 đến năm 2035 với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD đến 1.350 triệu USD. KCN sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động địa phương trong 3 năm đầu tiên hoạt động; dự kiến nộp ngân sách nhà nước khoảng 500 tỷ đồng/năm trong 5 năm đầu tiên và khoảng 3.000-3.500 tỷ đồng/năm khi KCN đi vào hoạt động ổn định.
Cho ý kiến vào báo cáo quy hoạch xây dựng hai dự án, các đại biểu dự hội nghị đánh giá cao thiện chí, chủ trương xây dựng các dự án tại Hà Nam của các nhà đầu tư. Các đồng chí đồng tình với đề xuất của các nhà đầu tư về vị trí xây dựng; đồng tình với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho các nhà đầu tư được nghiên cứu sâu, lập quy hoạch và đề xuất các dự án đầu tư xây dựng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cả hai dự án đầu tư xây dựng cảng Yên Lệnh và đầu tư KCN cao về sản xuất, lắp ráp ô tô đều thật sự cần thiết, phù hợp với chủ trương, tiềm năng phát triển và quy hoạch của tỉnh. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo động lực quan trọng giúp Hà Nam thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Hà Nam sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình triển khai xây dựng dự án với việc ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư. Đồng thời cam kết, khi nhà máy đi vào hoạt động, Hà Nam sẽ đảm bảo tốt tất cả các điều kiện, nhất là về điện, nước, an ninh trật tự… giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động, phát triển sản xuất.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh