Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm việc tại Hà Nam

​​​​​​​Chiều 29/2, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã về thăm và làm việc tại Hà Nam. Làm việc với đoàn, có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành chức năng...

Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh thăm và làm việc tại Hà Nam
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Ảnh Mạnh Hùng

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đã báo cáo nhanh kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 với đồng chí Bộ trưởng. Theo đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu ngân sách 14.656 tỷ đồng, đạt và vượt dự toán Trung ương giao. Ngày 26/12/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng và cả nước; đồng thời gắn kết Quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng TN&MT cũng đã nghe lãnh đạo Sở TN&MT báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thuộc ngành quản lý trên địa bàn thời gian qua; những khó khăn, vướng mắc tại địa phương và những đề xuất, kiến nghị mong muốn Bộ TN&MT quan tâm, tháo gỡ.

Cụ thể, về lĩnh vực đất đai, việc xác định đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của địa phương đối với đất nông trường Ba Sao (Kim Bảng) hiện đang gặp khó khăn. Bởi theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 đối với trường hợp đất nông nghiệp do Nông trường Ba Sao bàn giao về UBND xã Ba Sao (nay là thị trấn Ba Sao) quản lý thì đất nông nghiệp trên là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Tuy nhiên, do Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 không quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết trình tự, thủ tục đối với đất nông nghiệp khi UBND cấp xã nhận bàn giao diện tích đất này từ tổ chức, hộ gia  đình, cá nhân tự nguyện trả lại, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc do Nhà nước thu hồi ...., cần phải làm những nội dung gì, cần phải có những văn bản nào, do cơ quan nhà nước (cấp nào) ban hành để trở thành đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh thăm và làm việc tại Hà Nam
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy báo cáo tình hình KT-XH của tỉnh năm 2023 với Bộ trưởng TN&MT.

Đối với việc giao đất dịch vụ phi nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (đất 5%, đất 7%): Thực hiện Luật Đất đai năm 2003 (từ khi Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 26/01/2006 được ban hành) trên địa bàn Hà Nam có thực hiện việc giao đất dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/1993/ NĐ-CP. Diện tích đất dịch vụ được giao, nghĩa vụ tài chính của người được giao đất dịch vụ theo từng thời điểm nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (đất 5%; đất 7%). Tuy nhiên, việc giao đất dịch vụ chưa thực hiện xong, do Luật Đất đai năm 2013, không quy định việc giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.

Về công tác lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai: Căn cứ Bản đồ địa chính theo hệ tọa độ Quốc gia VN 2000 trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được lập cơ bản phủ kín toàn tỉnh. Tuy nhiên, tài liệu được lập từ trước đây (từ năm 1998), hiện nhiều tờ bản đồ đã có biến động rất lớn đặc biệt tại các đô thị, các xã có mức độ phát triển đô thị, công nghiệp nên có biến động nhiều, tỷ lệ biến động của các thửa lớn hơn rất nhiều tỷ lệ 40% phải đo đạc lại theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ TN&MT quy định về Bản đồ địa chính. Do chưa có kinh phí nên ngành TN&MT chỉ thực hiện chỉnh lý biến động thường xuyên đối với trường hợp có hồ sơ đăng ký của người sử dụng đất để quản lý nên chất lượng không đáp ứng theo yêu cầu của quy phạm… Vì vậy trong thời gian tới, đề nghị Bộ TN&MT quan tâm hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện hoàn thiện việc đo đạc lại bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai vào cơ sở dữ liệu đất đai đã được xây dựng hồ sơ.

Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh thăm và làm việc tại Hà Nam
Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 08 dự án UBND tỉnh Hà Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và chưa được chấp thuận (đã họp Hội đồng thẩm định). Bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo (PL-ĐT12.22); Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên (DT-PK01.21.1); Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở đô thị thuộc địa bàn phường Hoàng Đông và phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT07.21)). Đây là các dự án đô thị lớn, quan trọng của tỉnh để đảm bảo phát triển đô thị của tỉnh theo định hướng hiện đại, đồng bộ, đặc biệt phát triển vùng đô thị kết nối giữa thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên. Thời gian tới, đề nghị phân cấp cho tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất lâm nghiệp; đặc biệt các dự án đầu tư công, mục đích sử dụng đất công cộng như đường giao thông.

Riêng đối với chỉ tiêu sử dụng đất theo đề nghị của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; đặc biệt, đối với Khu Công nghệ cao Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 với quy mô diện tích đề xuất khoảng 663 ha. Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng do tỉnh Hà Nam chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất khu Công nghệ cao (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022) do đó đến thời điểm hiện tại, Đề án vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, để triển khai thực hiện đề nghị Bộ TN&MT quan tâm nghiên cứu điều chỉnh bổ sung cho tỉnh Hà Nam để thực hiện đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao của tỉnh với diện tích là 663 ha; tăng chỉ tiêu đất hạ tầng (trong đó có đất giao thông) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để tránh việc khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất nhưng thực tế một số công trình, dự án chưa thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch được phê duyệt, nhưng trong chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được xác định. Vì vậy, đề nghị Bộ cần nghiên cứu có quy định phù hợp để địa phương hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xác định trong năm và chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch cấp trên giao. 

Trong lĩnh vực khoáng sản, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam có một số doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động khoáng sản (vật liệu xây dựng thông thường) về khai thác vượt công suất và ngoài ranh giới được cấp phép. Quá trình xử lý vi phạm của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xác định số lợi bất hợp pháp do pháp luật chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ TN&MT xin ý kiến về cách xác định “chi phí trực tiếp” trong hoạt động khai thác khoáng sản làm cơ sở tính số lợi bất hợp pháp của các doanh nghiệp đối với khối lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp khai thác ngoài ranh giới mỏ được cấp phép.

Đối với lĩnh vực môi trường, đề nghị Bộ trưởng báo cáo Chính phủ chỉ đạo thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện các giải pháp, công trình thu gom triệt để và xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp đạt cột A, QCVN 14:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả vào sông Nhuệ. Thực hiện đóng toàn bộ các cửa xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Nhuệ. Vận hành thường xuyên trạm xử lý Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021-2025 để lấy nước từ sông Hồng với lưu lượng 70m3/s để cải tạo sông Nhuệ và phòng chống ngập úng; sớm thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường các lưu vực sông trực thuộc Bộ để triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông. Phối hợp với thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đền bù thiệt hại cho các tỉnh chịu tác động, ảnh hưởng của nước thải ô nhiễm từ sông Nhuệ. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Đồng thời, sớm ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn…

Đại diện lãnh đạo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên, Cục Khoáng sản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiếp thu và có ý kiến giải trình đối với một số ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản và các vấn đề liên quan đến môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh ghi nhận những kết quả đã đạt được của tỉnh Hà Nam trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đặc biệt trong lĩnh vực thu ngân sách. Về lĩnh vực TN&MT, đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm đối với công tác quản lý đất đai một cách bài bản; nâng cao chất lượng quản lý dữ liệu đất đai; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý địa chất, khoáng sản, môi trường; thực hiện chiến lược “Phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên” theo mô hình “kinh tế tuần hoàn”; tăng cường liên kết vùng trong xử lý ô nhiễm môi trường… Bộ sẽ tiếp thu và phối hợp với tỉnh trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý TN&MT…

Trước đó, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu đã tham dự lễ bàn giao Dự án đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và 2 để phát điện của Công ty Cổ phần (CP) Xi măng Vicem Bút Sơn.

Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh thăm và làm việc tại Hà Nam
Các đại biểu bấm nút bàn giao dự án.

Dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện” của Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn có tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng, công suất lắp đặt 12 MW. Sau 10 tháng khởi công xây dựng, tháng 1/2024, dự án đã hoàn thành, đưa vào chạy thử. Kết quả, toàn bộ 2 dây chuyền hoạt động ổn định. Tổng công suất phát trung bình khoảng 12,3 MW vượt so với công suất lắp đặt; điện năng tự dùng trung bình 5,69% công suất phát, giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 7%; tiêu thụ nước thô giảm so với chỉ tiêu của hợp đồng là 0,01m3/Kwh.

Công trình sau khi đưa vào hoạt động đã giúp cung cấp từ 25 - 30% lượng điện sử dụng của toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường; gián tiếp giảm 86.000 tấn CO2 do không dùng điện từ nhà máy nhiệt điện; giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn; tăng tuổi thọ và hiệu suất lọc bụi điện; mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện là hệ thống phát điện sạch và xanh, làm giảm khí thải nhà kính, giảm bụi, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị.

Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh thăm và làm việc tại Hà Nam
Các đại biểu tham quan phòng điều hành của dự án - Ảnh M Hùng

Đây là một trong những hoạt động đầu tư mà Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn triển khai nhằm thực hiện chiến lược “Phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên” theo mô hình “kinh tế tuần hoàn”, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiền đề quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Minh Thu - Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy