Theo dự báo, nguồn cung ứng điện giai đoạn 2024 - 2025 sẽ gặp nhiều thách thức do: tình trạng thủy văn bảo đảm mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu. Để chủ động cấp điện phục vụ khách hàng liên tục, an toàn, tiết kiệm, hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã triển khai nhiều giải pháp cấp điện mùa hè và mùa mưa bão năm 2024.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023: miền Bắc tăng 10,2%, miền Trung tăng 7,6% và miền Nam tăng 11,3%. Do ảnh hưởng của nắng nóng ở miền Bắc, phụ tải tăng cao. Các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25 - 80% trung bình nhiều năm. Trước tình hình thủy văn và nhu cầu phụ tải tăng cao, công tác vận hành nguồn tiếp tục thực hiện điều hành linh hoạt.
Để bảo đảm cho việc cấp điện an toàn, tiết kiệm, PC Hà Nam đã phối hợp với các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại, nhằm tiết kiệm năng lượng; khuyến khích triển khai chương trình các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện thực hiện giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và tất cả các khách hàng duy trì thực hiện việc tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hằng ngày; triển khai, áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khai thác và sử dụng cẩm nang công nghệ về tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng…
Ông Lưu Đại Nghĩa, Giám đốc Điện lực thành phố Phủ Lý cho biết: Triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng, PC Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trong đó tăng cường cho công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, người dân nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và hiệu quả như lồng ghép vào hội nghị của các tổ chức đoàn thể, tổ chức tuyên truyền cho các doanh nghiệp về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Thông qua tuyên truyền, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi công nghệ, dây chuyền khi tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, tiết kiệm 15 – 20% công suất điện so với dây chuyền cũ, song hiệu suất hoạt động lại cao hơn trước. Đồng thời, Điện lực thành phố Phủ Lý còn chỉ đạo các Đội trực thuộc tăng cường sửa chữa nhỏ, triển khai các giải pháp chống quá tải cục bộ; thường xuyên đo nhiệt trên hệ thống dây dẫn, kịp thời khắc phục sự cố xảy ra trong mùa nắng nóng.
Ngoài các giải pháp trên, trong năm 2024, PC Hà Nam còn tổ chức diễn tập công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) – xử lý sự cố lưới điện viễn thông và công nghệ thông tin (VT&CNTT). Công ty đã đặt ra 9 tình huống diễn tập gồm: Tình huống giả định do mưa bão đổ bộ vào tỉnh Hà Nam với sức gió mạnh kèm mưa, sét gây sự cố mất điện; công nhân sau khi thực hiện xong công việc, đi về bằng xe máy, khi qua đoạn đường rẽ do trời mưa và có nhiều đá mạt, đã phanh gấp nên bị trượt ngã dẫn đến gãy xương cánh tay phải và chấn thương bàn chân trái cần sơ cứu băng bó, cố định vết thương bằng dụng cụ tạm thời tại vị trí đã gãy rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất; do nắng nóng làm phụ tải tăng đột biến dẫn đến quá tải MBA, nguy cơ gây sự cố; do mưa bão đổ bộ vào tỉnh Hà Nam với sức gió lớn, tôn bay làm đứt cáp quang tại khoảng vị trí từ cột 2.10 đến cột 2.13 lộ 2 trạm biến áp (TBA) Lạc Tràng 2, lộ 474 E3.5, làm mất toàn bộ thông tin SCADA (hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) của TBA 110kV Kim Bảng kết nối về phòng điều độ…
Ông Vũ Hoàng Lâm, Phó Giám đốc PC Hà Nam cho biết: Việc diễn tập thường niên nhằm hướng tới cho cán bộ, công nhân PC Hà Nam chủ động, kịp thời ứng phó với bất kỳ tình huống nào khi có sự cố xảy ra nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra; khắc phục nhanh hậu quả, sự cố do thiên tai, kịp thời khôi phục điện cho khách hàng, nâng cao độ tin cậy và sự hài lòng của khách hàng; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra; rèn luyện kỹ năng, chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp trong việc thực hiện công việc trên lưới điện; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn khi xử lý các sự cố do thiên tai (mưa bão, ngập lụt…) gây ra; nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công nhân viên trong việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người bị nạn do thiên tai; sẵn sàng cho công tác phối hợp, huy động các nguồn lực nội bộ của công ty, các đơn vị trực thuộc, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, căn cứ vào các tình huống cụ thể PC Hà Nam đã xây dựng kịch bản bố trí cán bộ, công nhân viên xử lý sự cố xảy ra, trong đó có 7 tình huống trực tiếp sửa chữa trên lưới, còn lại 2 tình huống giả định.
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/06/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1313/KH – UBND, ngày 5/7/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo, toàn tỉnh phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống lưới điện quốc gia).
Để đạt được kế hoạch trên, trong thời gian tới, PC Hà Nam khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn tiết kiệm, hiệu quả như: Tắt các thiết bị điện không cần thiết khi không sử dụng; không để thiết bị ở chế độ chờ (máy tính, máy in, máy photocopy); tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở chế độ làm mát; kiểm tra và tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng sau giờ làm việc. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần cùng ngành điện bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Trần Thoan