Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chiều 20/9 ghi nhận Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia và nền kinh tế.
Với thứ hạng 44/132 Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm ba quốc gia đổi mới theo nhóm thu nhập, xếp trước Ấn Độ và Ukraine.
So với năm 2019 và 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tụt hai bậc (năm 2019 và 2020 xếp thứ 42). Nguyên nhân của việc tác động đến kết quả này là do số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Trong khi đó nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán; trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Tuy nhiên báo cáo ghi nhận, năm nay Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng đầu vào của đổi mới sáng tạo - tăng hai bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, và giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 38).
Trong bảng xếp hạng thường niên của các nền kinh tế thế giới về năng lực đổi mới và sản lượng xuất khẩu, GII cho thấy chủ yếu là các quốc gia có mức độ thu nhập cao, luôn đứng đầu các bảng xếp hạng. Tuy nhiên một số quốc gia có mức thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines đang theo kịp và thay đổi theo bối cảnh mới.
Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ và Anh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng đổi mới và đều đứng trong top 5 ba năm qua. Hàn Quốc lần đầu tiên lọt vào top 5 của GII năm 2021, trong khi 4 quốc gia khu vực châu Á khác góp mặt vào top 15: Singapore (xếp thứ 8), Trung Quốc (12), Nhật Bản (13) và Hong Kong (Trung Quốc) xếp thứ 14. Tuy nhiên theo WIPO, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines là tăng trưởng một cách có hệ thống.
Theo báo cáo, Thái Lan (xếp hạng 43), Việt Nam (xếp thứ 44), Philipines (51) và Indonesia (hạng 87) đã tăng từ 5 tới 40 điểm GII trong thập kỉ qua. Thái Lan và Việt Nam lọt vào top 30 thế giới về chỉ số đa dạng của thị trường, trong khi Philippines thứ hạng cao về chỉ số đầu ra sáng tạo và công nghệ. Đây là các quốc gia dẫn đầu trong các chỉ số đổi mới quan trọng khác. Trong khi Thái Lan dẫn đầu về R&D (Nghiên cứu và phát triển) được tài trợ bởi các doanh nghiệp thì Việt Nam và Philippines là các quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao.
Cụ thể, các chỉ số về xuất nhập khẩu công nghệ cao tiếp tục giữ vững thứ hạng cao, gồm chỉ số đầu vào nhập khẩu công nghệ cao tăng 1 bậc (từ hạng 4 lên 3) và chỉ số đầu ra xuất khẩu công nghệ cao tăng 1 bậc (từ hạng 2 lên 1).
Chỉ số công bố khoa học mặc dù giảm nhưng chất lượng tăng, thể hiện ở chỉ số 6.1.5 - chỉ số H các bài báo được trích dẫn có thứ hạng 58, tăng 1 bậc so với 2020.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện Portulans cùng Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) thực hiện. Năm nay, các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp sẽ thảo luận về đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến bối cảnh đổi mới sáng tạo toàn cầu.
VNE