Đại dịch Covid-19 khiến mã QR (hay QR Code) trở nên rất phổ biến, cho dù đó là chứng chỉ tiêm chủng hay quét mã điểm đến, điểm đi.
Tuy nhiên, liệu người dùng có biết công nghệ QR Code hoạt động ra sao, và ba hình vuông mà chúng ta thấy trên tất cả các mã QR được tạo ra là gì hay không?
Về cơ bản, QR Code là viết tắt của Quick response code (Tạm dịch: Mã phản hồi nhanh), mã vạch ma trận (Matrix-barcode) hay mã vạch 2 chiều (2D). Đây là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị sao cho máy có thể đọc được.
QR Code xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994, được tạo ra bởi Denso Wave, một công ty con của Toyota. QR Code bao gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng, có thể chứa những thông tin như URL, thời gian, địa điểm của sự kiện, mô tả, giới thiệu một sản phẩm nào đó,... QR Code cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị như máy đọc mã vạch hoặc điện thoại có camera với ứng dụng cho phép quét mã, vô cùng tiện lợi cho người dùng.
Khi nhìn vào mã QR, người dùng có thể nhìn thấy ba hình vuông và tự hỏi mục đích của nó là gì. Trong thực tế, đó là những điểm phục vụ cho việc xác định hướng của mã gốc. Bằng cách này, máy đọc hoàn toàn có thể đọc được đúng hướng và sẽ dễ dàng nhận ra ẩn chứa bên trong mã QR là gì. Trong một thời gian ngắn, smartphone hoặc thiết bị đóng vai trò đầu đọc có thể nhận ra các ô vuông, từ đó nhanh chóng xoay hình ảnh theo hướng chính xác của nó, ngay cả khi người dùng quay không đúng chiều mã QR.
Xét cho cùng, ba hình vuông trên mã QR phục vụ để đảm bảo rằng các mã được đọc chính xác. Trong khi đó, việc thay đổi hướng mà không có “hướng dẫn” bởi các hình vuông này có thể thay đổi ý nghĩa vốn có của mã QR được tạo./.
VOV