Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine

Tin rằng việc đầu tư vaccine Covid-19 qua ứng dụng sẽ thu lời hàng ngày, nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi app sập và không thể rút tiền.

"Tôi mới 'đầu tư' được ba ngày, giờ không thể rút tiền ra được nữa, cũng không thể liên hệ quản trị viên. Số tiền đã nạp vào coi như mất trắng", Nguyễn Mạnh (Bắc Ninh) cho biết.

Ứng dụng anh Mạnh đang chơi có hình thức đầu tư vào các gói vaccine hoặc trang thiết bị y tế, như khẩu trang, kính bảo hộ. Người dùng được dụ đăng ký tài khoản và chơi qua một trang web hoặc ứng dụng có tên r383. Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như với các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo hoặc Telegram.

Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine
Người dùng được dụ đầu tư vào gói vaccine trên app để thu lời mỗi ngày.

Trên nhóm chat có tên "Chung tay chống Covit 19" mà anh Mạnh được nhóm trưởng đưa vào hồi giữa tháng 7, lúc cao điểm có gần 400 thành viên. Tại đây, các trưởng nhóm và phó nhóm thường xuyên giới thiệu những trường hợp đã thu lãi nhờ ứng dụng, cũng như dụ người dùng mua các gói đầu tư vaccine đắt tiền, để hưởng lãi lớn.

"Ban đầu tôi đầu tư gói vaccine nhỏ nhất 310 nghìn đồng, tôi có lãi và rút về thành công. Tin tưởng, tôi nạp thêm 500 nghìn đồng nữa thì app sập", anh Mạnh kể. Các trưởng nhóm và phó nhóm trước đây cũng rời nhóm hoặc chặn liên hệ của các thành viên. "Với kinh nghiệm chơi nhiều ứng dụng và bị lừa nhiều lần, tôi hiểu ứng dụng này đã sập và không còn cách nào để lấy lại tiền đã đầu tư nữa", anh Mạnh kể.

Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine
Ứng dụng hứa hẹn trả lãi trong ngày cho người dùng.

Tương tự nhiều ứng dụng lừa đảo khác, r383 có hàng loạt gói đầu tư, mỗi gói được đặt theo tên một loại vaccine nổi tiếng trên thế giới. Đầu tư với số tiền càng cao, tiền lãi mà người dùng được hứa hẹn càng lớn.

Chẳng hạn, gói đầu tư tên "vaccine Vacuna" yêu cầu số tiền tối thiểu 310.000 đồng mỗi lần. Người chơi sẽ thu lãi 7% mỗi ngày và chỉ được chơi trong một ngày. Trong khi gói đầu tư "Vaccine Pfizer BiNtech" yêu cầu số tiền tối thiểu 1,2 triệu đồng, người chơi sẽ nhận lãi 8,4% mỗi ngày và được chơi trong 10 ngày. Ứng dụng hứa hẹn trả lãi vào 15h mỗi ngày và trả toàn bộ số tiền gốc khi hết thời gian "chơi".

Ứng dụng còn hiển thị tiến độ đầu tư của các gói. Gói nào đạt 100% tiến độ sẽ bị đóng. Vì vậy, nhiều người đã quyết định đầu tư nhanh vì sợ mất cơ hội.

"Theo thông tin trên ứng dụng, nếu đầu tư vào gói Vaccine Pfizer BiNtech với số tiền 12 triệu đồng, tôi có thể nhận về 9,6 triệu đồng sau 10 ngày", người chơi tên Phạm Chiến (Hải Phòng) chia sẻ. Anh Chiến cho biết những lần đầu anh cũng đầu tư gói nhỏ và rút về thành công, được gần 1 triệu đồng. Sau đó anh quyết định đầu tư lớn một lần rồi nghỉ chơi, nhưng chưa kịp nghỉ, ứng dụng đã sập. Số tiền anh nạp vào là hơn 10 triệu đồng.

Trên group chat Zalo mà anh Mạnh tham gia, hàng chục người khác cũng cho biết họ không thể rút được tiền. Số tiền những người này đã nạp đều từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

"Thực ra các vaccine này chỉ là ảo. Họ lấy tên như vậy vì vấn đề Covid-19 đang được nhiều người quan tâm. Người chơi không tìm hiểu, hoặc không thể tìm hiểu được, do thông tin về các dự án này khá sơ sài", anh Chiến nhận xét. "Bản thân tôi cũng hiểu điều này và biết ứng dụng sẽ sập, nhưng không ngờ sập nhanh đến vậy", anh Chiến nói.

Hiện nay, ứng dụng và website mà anh Chiến và anh Mạnh tham gia vẫn hoạt động, nhưng người dùng chỉ có thể nạp tiền vào mà không thể rút ra, cũng không thể liên hệ các trưởng nhóm để nhận hỗ trợ.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một kiểu tấn công lừa đảo điển hình trên Internet thời gian qua. "Hình thức này sử dụng kỹ thuật cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy", NCSC nhận định.

Trong trường hợp trên, bẫy lừa đảo này sử dụng các sản phẩm dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19 - vốn là vấn đề được quan tâm nhiều tại Việt Nam - và lợi nhuận lớn để dụ dỗ người chơi.

"Giai đoạn này, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, hay khám chữa bệnh qua Internet. Nhiều người gặp khó khăn về tài chính và muốn kiếm tiền dễ dàng. Lợi dụng tình hình đó, kẻ xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng", đại diện NCSC cho biết.

Theo các chuyên gia, người dùng có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu, như kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cực cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định; khó rút vốn và thường đưa ra lời mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn.

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy