14 đoàn tàu chạy bằng hydro với vận tốc tối đa 140 km/h bắt đầu hoạt động trên tuyến đường sắt dài gần 100 km kết nối các thành phố.
Đức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khai trương một tuyến đường sắt chạy hoàn toàn bằng hydro hôm 24/8, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực vận tải đường sắt xanh. Cụ thể, 14 đoàn tàu do công ty Alstom của Pháp sản xuất sẽ thay thế các đầu máy diesel trên tuyến đường sắt dài 97 km nối các thành phố Cuxhaven, Bremerhaven, Bremervoerde và Buxtehude gần Hamburg. Tuyến đường sắt đặt mục tiêu giảm khoảng 8 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
1 kg nhiên liệu hydro có thể hoạt động tương tự như khoảng 4,5 kg dầu diesel. Các đoàn tàu hydro không tạo ra khí thải và có tiếng ồn nhỏ, chỉ có hơi nước và nước ngưng tụ thoát ra từ ống xả. Chúng có phạm vi hoạt động 1.000 km, nghĩa là có thể chạy cả ngày chỉ với một bể hydro. Một trạm tiếp nhiên liệu hydro cũng đã được xây ven tuyến đường. Các tàu có thể chạy với tốc độ tối đa 140 km/h, nhưng tốc độ thông thường sẽ thấp hơn, khoảng 80 - 120 km/h.
"Di chuyển không phát thải là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để đảm bảo tương lai bền vững và Alstom đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu thế giới về các hệ thống đẩy thay thế dành cho đường sắt. Chúng tôi rất hãnh diện khi đưa công nghệ này vào vận hành hàng loạt trong buổi ra mắt cùng với các đối tác tuyệt vời của mình", Henri Poupart-Lafarge, CEO kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của Alstom, cho biết.
Các cuộc thử nghiệm thương mại với Coradia iLint, loại tàu do Alstom sản xuất, được thực hiện từ năm 2018. Công ty này đã ký hợp đồng sản xuất tàu ở Đức, Pháp và Italy. Ngoài ra, Alstom cũng bắt đầu nhắm đến thị trường Anh.
Khoảng một nửa tàu khu vực (tàu di chuyển giữa các thành phố và thị trấn) ở châu Âu chạy bằng dầu diesel, nhiều tàu khác chạy bằng điện. Tuy nhiên, điều đó có thể sớm thay đổi. "Đến năm 2035, khoảng 15 - 20% tàu khu vực ở châu Âu có thể chạy bằng hydro", Alexandre Charpentier, chuyên gia đường sắt tại công ty tư vấn Roland Berger, nhận định.
VNE