Các nhà khoa học ở Quảng Châu, Trung Quốc vừa nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ hạt nhân vào việc diệt muỗi, nhằm hỗ trợ kiểm soát các căn bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Hạt nhân (Côn trùng bất dục) thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc do Đại học Trung Sơn Quảng Châu thành lập.
Công nghệ này sử dụng bức xạ để tiêu diệt khả năng sinh sản của muỗi đực. Sau khi thả ra ngoài tự nhiên, những con đực bất dục này sẽ giao phối với muỗi cái hoang dã và làm cho muỗi cái không thể sinh sản, từ đó đạt mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh do muỗi lây truyền.
Ông Ngô Trung Đạo, Giám đốc trung tâm cho biết, so với các phương pháp truyền thống, phương pháp này không gây ô nhiễm hóa chất, có tính chọn lọc mạnh, không gây hại cho các sinh vật có ích khác hoặc thiên địch của các loài côn trùng gây hại, cũng không làm muỗi kháng thuốc, hiệu quả kiểm soát lâu dài. Đây hiện là công nghệ sinh học hiện đại duy nhất có thể diệt trừ các loài muỗi cụ thể trong một khu vực và đạt được mục đích kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Theo truyền thông địa phương, nghiên cứu này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ghi nhận.
Hiện, Đại học Trung Sơn đã thành lập một công ty công nghệ sinh học hạt nhân về côn trùng, còn gọi là “Nhà máy sản xuất muỗi”. Trong tương lai, nhà máy này sẽ được xây dựng thành “Cơ sở sản xuất muỗi tuyệt dục châu Á” với năng lực sản xuất 40 triệu đến 50 triệu con muỗi đực/tuần. Họ cũng có kế hoạch thiết lập 3 tới 4 khu vực diệt muỗi kiểu mẫu ở Vùng vịnh lớn gồm Quảng Đông, Hong Kong và Macao, cũng như thiết lập các cơ sở đào tạo ở nước ngoài./.
VOV