kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Trực thăng NASA sẽ cất cánh trên sao Hỏa chiều nay

Trực thăng NASA sẽ cất cánh trên sao Hỏa chiều nay

Trực thăng Ingenuity đang chuẩn bị cho chuyến bay lịch sử trên sao Hỏa nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trực thăng NASA sẽ cất cánh trên sao Hỏa chiều nay
Trực thăng Ingenuity đậu trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Chuyến bay đầu tiên bằng động cơ trên hành tinh khác sẽ diễn ra vào 3h30 chiều ngày 19/4, theo NASA. Khác với phương tiện đồng hành cùng trực thăng Ingenuity, robot tự hành Perseverance, hạ cánh trên sao Hỏa vào ngày 18/2, chúng ta sẽ không thể thấy ảnh chụp hoặc biết liệu chuyến bay có thành công hay không ngay lập tức.

Đội phụ trách trực thăng sẽ ở phòng kiểm soát nhiệm vụ tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, vào sáng sớm ngày 19/4 để nhận và phân tích dữ liệu từ chuyến bay của Ingenuity.

Ban đầu, chuyến bay được lên lịch vào ngày 11/4 nhưng dời lại sau khi NASA phát hiện vấn đề ở chuỗi câu lệnh trong lúc trực thăng trải qua hàng loạt kiểm tra trước chuyến bay với phần mềm tích hợp. Ingenuity đã tiến hành thử nghiệm tốc độ cao với rotor hôm 10/4, nhưng chuỗi câu lệnh kết thúc sớm do đồng hồ tính giờ. Thử nghiệm này kết thúc sớm khi trực thăng chuyển máy tính từ chế độ trước lúc bay sang chế độ bay.

Đội phụ trách dự án quyết định sửa phần mềm để thay đổi cách hai bộ kiểm soát chuyến bay của trực thăng khởi động. Biện pháp đó sẽ giúp chuyển từ chế độ trước lúc bay sang chế độ bay dễ dàng hơn ở cả phần cứng và phần mềm. Các kỹ sư nhận được dữ liệu hôm 16/4 cho thấy trực thăng đã hoàn thành thử nghiệm quay nhanh thành công. Hiện nay, Ingenuity cần bay tự động trong khí quyển mỏng của sao Hỏa mà không có sự trợ giúp từ đội ngũ trên Trái Đất.

Ingenuity sẽ bay tổng cộng 40 giây hôm 19/4. Mẫu trực thăng nặng 1,8 kg sẽ quay hai cánh quạt dài 1,2 mét, bay lên độ cao 3 m trong không trung, lơ lửng, đổi hướng, chụp ảnh và hạ cánh xuống mặt đất. Nếu chuyến bay này thành công, Ingenuity có thể bay thêm 4 lần trong những tuần tới.

Chiếc trực thăng nhỏ đã vượt qua nhiều mốc thử nghiệm quan trọng trước đây, như vận động cánh và sống sót qua đêm lạnh trên sao Hỏa. Tín hiệu vô tuyến mất 15 phút và 27 giây để truyền qua khoảng cách hiện nay giữa Trái Đất và sao Hỏa (278,4 triệu km).

Robot tự hành Perseverance giúp liên lạc giữa trực thăng và đội kiểm soát bay, sẽ nhận chỉ thị bay từ JPL. Sau đó, robot sẽ chuyển tiếp kế hoạch tới trực thăng. Perseverance sẽ đậu cách trực thăng 65 m để quan sát chuyến bay an toàn, đồng thời chụp ảnh và video.

Sau một số thử nghiệm ban đầu với cánh quạt trước chuyến bay, Ingenuity sẽ quay rotor và bắt đầu bay. Các thử nghiệm trước khi bay cho phép trực thăng tính toán tốc độ của cánh quạt để tạo lực nâng. Phương tiện sẽ mất khoảng 6 giây để đạt độ cao tối đa trong chuyến bay đầu tiên. Khi đạt độ cao 3 m, Ingenuity sẽ bay lơ lửng trong khoảng 30 giây.

Trong thời gian bay lơ lửng, trực thăng sẽ chụp ảnh 30 lần mỗi giây để đưa vào máy tính định vị, đảm bảo thăng bằng ở giữa khu vực bay rộng 10 x 10 m. Ingenuity sẽ sử dụng một camera độ phân giải cao thứ hai chĩa về phía đường chân trời nhằm chụp ảnh mỗi lần trực thăng ở trong không trung. Khi trực thăng hạ cánh, nó sẽ truyền dữ liệu về Trái Đất thông qua robot tự hành.

Ảnh chụp màu đen - trắng độ phân giải thấp hơn từ camera định vị của trực thăng sẽ được gửi về trước, tiếp theo là ảnh màu vào ngày hôm sau. Robot tự hành cũng sẽ gửi ảnh và video dự phòng từ một số camera của nó. Perseverance đã luyện tập quay video trực thăng trong lúc Ingenuity thử nghiệm cánh quạt.

Bức ảnh đen - trắng đầu tiên từ camera định vị rất quan trọng bởi các chuyên gia có thể xác định vị trí trực thăng hạ cánh. Họ sẽ phân tích dữ liệu đầu tiên mà trực thăng truyền về để xem xét liệu nó có bay lên, lơ lửng, xoay tròn và hạ cánh đúng dự kiến hay không. Mục tiêu cơ bản của dự án là thu thập dữ liệu kỹ thuật về hiệu quả vận hành của phương tiện, giúp ích cho những dự án chế tạo trực thăng lớn và tốt hơn trong tương lai.

Các thành viên của nhóm phụ trách dự án Ingenuity tỏ ra lo lắng trước thời khắc lịch sử mà họ đã cất công chuẩn bị hơn 8 năm. Có 4 khả năng có thể xảy ra hôm 19/4 là thành công hoàn toàn, thành công một phần, dữ liệu không đầy đủ hoặc thất bại.

Sau chuyến bay đầu tiên, Ingenuity sẽ nghỉ ngơi một ngày để sạc điện bằng pin mặt trời. Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng dữ liệu truyền về để lên kế hoạch cho chuyến bay tiếp theo. Thời gian giữa các chuyến bay sẽ trở nên ngày càng ngắn. Ingenuity có thể bay 4 ngày sau chuyến bay đầu tiên, 3 ngày sau chuyến bay thứ hai. Trong các chuyến bay cuối, trực thăng sẽ bay cao 5 m, di chuyển theo phương ngang 15 m và quay trở lại.

An Khang (Theo CNN)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy